Giành quyền nuôi con sau ly hôn khi đang ở nước ngoài
Chào luật sư. Em có chuyện muốn nhờ luật sư tư vấn giúp cho em về chuyện ly hôn. Em kết hôn từ tháng 10/2013 đến nay đã được 4 năm và có một cháu trai nay đã được 3 tuổi rưỡi. Tháng 6/2017 em đã được mẹ ruột bảo lãnh sang Hàn Quốc và hiện tại em đang sống và học tập ở đây. Vì mẫu thuẫn vợ chồng ở xa nên hiện tại chồng em hiện đang sống ở việt nam muốn đơn phương li dị và giành quyền nuôi con. (cháu đang ở việt nam cùng với ông bà nội vì khi cưới đến giờ em vẫn ở cùng nhà với ba mẹ chồng). Chồng em có nói là vì em đang ở nước ngoài mà nên em không có quyền được giành nuôi cháu. Xin luật sư cho em biết em có giành được quyền nuôi con em trong trường hợp này không? chồng em đơn phương li dị khi em không ở việt nam.và em nên chuẩn bị trước như thế nào để không gặp khó khăn trong khi diễn ra quá trình li hôn như vậy? Em xin cảm ơn luật sư ! Thân ái
Trả lời tư vấn: cảm ơn bạn đã gửi nội dung đề nghị tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia chúng tôi, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Trước hết về việc đơn phương ly hôn, cho dù chị ở nước ngoài hay trong nước thì chồng chị vẫn có thể đơn phương ly hôn. Khi đó Tòa án sẽ làm theo các trình tự thủ tục riêng. Tòa sẽ gửi tống đạt cho chị. Nếu chị không thể về Việt Nam để giải quyết, chị có thể làm đơn xin xét xử vắng mặt, trong đó có ghi rõ những yêu cầu của mình và yêu cầu Tòa giải quyết.
Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:
“Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó”.
Vậy, người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng (mức cấp dưỡng tùy theo điều kiện kinh tế hoặc theo thỏa thuận) để người kia chăm sóc, nuôi dưỡng đến khi trưởng thành.
Còn về việc giành quyền nuôi con, trong trường hợp của chị, chồng chị muốn giành quyền nuôi con và chị cũng muốn giành quyền nuôi con thì tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt và hướng tới tương lai tốt đẹp của con. Các quyền lợi đó có thể là: điều kiện học tập, điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, đi lại… người nào có điều kiện tốt hơn về tài sản, thu nhập, công việc … - nói một cách dễ hiểu là có nhiều tiền hơn, thì sẽ có lợi thế hơn trong việc giành quyền nuôi con.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất