LS Vy Huyền

Giành quyền nuôi con? Đôi khi chỉ cần ý kiến của con là đủ

Chào luật Minh Gia, luật sư cho tôi hỏi nhờ luật sư tư vấn về các yếu tố quyết định đến việc giành quyền nuôi con khi ly hôn và vai trò quan trọng của ý kiến người con trong vấn đề này, cụ thể:

Vợ chồng tôi lấy nhau đã được 17 năm , sinh được 2 con , con trai 15 tuổi và con gái 7 tuổi . Vợ chông tôi liên tiếp mâu thuẫn. Chồng rất hay sỉ nhục, chửi tục và có nhiều lần bạo lực đối với tôi. Chúng tôi dều là công chức lương ngang bằng nhau. Nhưng chồng tôi công tác ở xa và 1 tuần về 1 lần (khoảng 2 ngày), 2 cháu ở với tôi từ nhỏ, tôi công tác gần cách nhà 7 cây và công việc của tôi đi về nhà nội trong ngày 2 lần. Tự tay tôi chăm sóc các cháu ăn học ngủ nghỉ ... Trong lúc mâu thuận chồng tôi nhiều lần giành quyền nuôi cả hai con. Tôi không đồng ý vì tôi không tin tưởng chồng tôi nuôi 2 con, chồng tôi vắng nhà liên tục không có điều kiện gần gũi các con. Khi về lại cáu gắt , hằn học quát tháo con (nói với tôi là đấy là tao dạy con ,...). Nhiều lúc tôi dò hỏi ý các con 2 con đều muốn ở với tôi ( vì 3 mẹ con luôn luôn ở với nhau , ... ) . Hiện nay mâu thuẫn gia đình đã lên đến đỉnh điểm . Chúng tôi quyết định ly hôn , tôi muốn giành quyền nuôi 2 con có được không? quy định thế nào? Xin cảm ơn luật sư tư vấn

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi nội dung đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Chúng tôi đã hiểu và lấy làm tiếc cho đời sống hôn nhân của gia đình bạn.

 

Về trường hợp của bạn, xoay quanh vấn đề giành quyền nuôi con khi ly hôn, bạn có thể tham khảo bài viết sau của chúng tôi: Quyền nuôi con – Khi vợ chồng không quan tâm đến luật.

“Luật” ở đây là Điều 81 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn. Cụ thể.

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Do đó, dựa vào phân tích tại bài viết trên, cộng thêm với quy định pháp luật này, có thể rút ra những nhận định như sau:

- Trong ba yếu tố vật chất, tinh thần và ý kiến chủ quan của con, việc 2 con của bạn đều có ý muốn ở với mẹ là lợi thế cực kỳ lớn của bạn. Chỉ cần trước tòa 2 cháu vẫn giữ vững quan điểm và bạn có thể chứng mình mình có thể nuôi dưỡng cả hai cháu thì khả năng cao là bạn giành được quyền nuôi con.

- Xét về các yếu tố của chồng bạn, có thể kể ra những điểm bất lợi sau: thường xuyên đi công tác xa (không có thời gian chăm sóc con – điểm trừ về yếu tố tinh thần); có lời lẽ và hành vi nặng nề với vợ con – điểm trừ về tư cách và thái độ.

- Không phải lúc nào kinh tế cũng đóng vai trò quyết định và duy nhất trong việc giành quyền nuôi con.

Như vậy, Tòa sẽ không dựa vào yêu cầu của một bên để xác định quyền nuôi con mà sẽ xem xét toàn bộ các khía cạnh của hai bên để đảm bảo người con có được điều kiện phát triển tốt nhất. Theo đánh giá chung của chúng tôi là khả năng bạn được quyền nuôi con hơn hẳn so với chồng bạn. Và việc bạn phải làm là chứng minh được những lợi thế của mình trước Tòa trong phiên giải quyết ly hôn.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo