Đinh Ngọc Huyền

Giành lại quyền nuôi dưỡng con sau ly hôn ?

Việc thăm nom con không chỉ là quyền lợi, nghĩa vụ của cha /mẹ mà còn là quyền lợi của đứa trẻ. Người cha hoặc mẹ dù không trực tiếp nuôi con sau ly hôn, vẫn có quyền đối với con cái cho đến khi thành niên, thể hiện qua quyền thăm nom con. Trường hợp người không trực tiếp nuôi con khi thăm nom nhưng bị cản trở, gây khó dễ thì sẽ phải làm như thế nào?

Câu hỏi yêu cầu tư vấn:

Kính chào luật sư, tôi có người anh vừa mới ly hôn ngày 27/10/2020 do vợ chồng anh tôi sống không hợp nên đã ly hôn và có 1 đứa con gái sinh ngày 16/12/2017, đến nay cháu được gần 4 tuổi. Trong lúc ly hôn anh tôi đã nhường quyền nuôi dưỡng cho chị dâu tôi vì lúc đó con anh tôi còn nhỏ không nuôi dưỡng được, giờ anh tôi muốn nhận lại quyền nuôi dưỡng con có được không thưa luật sư? Do anh tôi thương nhớ con lên thăm con mà bên chị dâu và gia đình ngăn cản không cho thăm con, từ khi ly hôn cho đến nay chị dâu tôi không cho anh tôi và gia đình bên nội thăm nom theo lời thỏa thuận hai bên cha được thăm nom con. Vậy kính mong luật sư giải đáp thắc mắc giùm, tôi xin chân thành cảm ơn ạ!.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi nội dung yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia.

Theo thông tin bạn cung cấp: Anh bạn đã ly hôn, có 1 con chung được gần 4 tuổi với vợ trước. Khi ly hôn, tòa án giao quyền nuôi con cho người vợ. Hiện tại anh bạn muốn giành lại quyền nuôi dưỡng con do vợ cũ ngăn cản, không cho anh bạn và gia đình bên nội thăm nom con. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất: Quyền của người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn 

Theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau:

Theo khoản 3 Điều 82 quy định: "Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở".

Đồng thời theo khoản 2 điều 83 cũng nhấn mạnh về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau: "Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con".

Do vậy đối với trường hợp của anh bạn: Sau khi ly hôn, chị dâu bạn không cho anh bạn và gia đình bên nội thăm nom. Hành vi chị dâu bạn ngăn cấm, không cho anh bạn và gia đình bên nội thăm nom con theo thỏa thuận khi ly hôn là vi phạm quy định của Luật Hôn nhân và gia đình nêu trên, ảnh hưởng đến quyền của anh bạn là người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

Thứ hai: Vấn đề về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Anh bạn có thể giành lại quyền nuôi con sau ly hôn bằng cách khởi kiện, yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con thì Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

 2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Theo quy định nêu trên, thì anh bạn sẽ có quyền yêu cầu Tòa án quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con nếu thuộc một trong hai trường hợp: anh bạn và vợ cũ thuận được việc để cho anh bạn nuôi con hoặc vợ cũ của anh bạn không còn đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Không đủ điều kiện để nuôi dưỡng con là việc người mẹ không đáp ứng được một trong các tiêu chí như: mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; không có thu nhập hàng tháng và không có chỗ ở ổn định; môi trường sống không đảm bảo điều kiện thiết yếu cho việc sinh sống, học tập của con; không dành thời gian để chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con,…

Ở đây, do chị dâu bạn chỉ có hành vi là cản trở không cho anh bạn và gia đình bên nội thăm nom con mà không có các yếu tố khác ảnh hưởng đến việc trực tiếp nuôi con thì chưa có đủ căn cứ để yêu cầu Tòa án quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Theo đó anh bạn phải có căn cứ chứng minh cho việc chị dâu bạn không đủ điều kiện trực tiếp nuôi dưỡng con nêu trên thì Tòa án mới có thể xem xét việc trao quyền trực tiếp nuôi dưỡng con cho anh bạn.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo