Hoài Nam

Giải quyết tranh chấp đất đai khi cho mượn đất không trả

Đất cho mượn không có giấy tờ có đòi lại được không? Pháp luật quy định như thế nào về cách giải quyết trong trường hợp này?

Câu hỏi tư vấn: Rất mong Công ty Luật Minh Gia tư vấn giúp tôi về vấn đề đất đai. Cụ thể là:- Có một mảnh đất khoảng 50m vuông thuộc quyền sở hữu của bên A do thời ông cha để lại nên không có giấy tờ.- Bên B là hàng xóm, cách đây hơn 20 năm do mảnh đất của bên A chưa sử dụng vì thế vẫn để trống, vậy nên bên B có sang nhờ giúp đỡ mượn để chăn nuôi vì gia đình bên B lúc đấy rất khó khăn. Hơn chục năm sau bên A cần sử dụng mảnh đất đấy và có đề nghị bên B hoàn trả nhưng bên B không đồng ý và tuyên bố đó là đất của mình và có thái độ chống đối bên A, cả hai bên đều không có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đất, người làm chứng cho bên A đã mất vì vậy hiện tại mảnh đất đấy vẫn đang do bên B sử dụng. Xin luật sư tư vấn giúp tôi trường hợp này nếu theo luật đất đai thì sự việc sẽ được giải quyết như thế nào? Mong nhận được lời tư vấn sớm từ luật sư. Xin chân thành cảm ơn! 

Luật sư tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

- Thứ nhất, quyền được đòi lại tài sản:

Theo thông tin bạn cung cấp, mảnh đất này do ông cha để lại của bên A, không có giấy tờ gì và đã được cho bên B mượn để chăn nuôi, đến nay bên A muốn đòi lại mảnh đất này. Theo quy định tại Điều 164 Bộ luật dân sự năm 2015:

Điều 164. Biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản

1. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Theo đó, nếu bên B không trả lại đất cho bên A thì bên A với tư cách là chủ sử dụng đất có quyền tự bảo vệ quyền của mình bằng những biện pháp không trái pháp luật, yêu cầu UBND xã/phường hòa giải hoặc khởi kiện đến Tòa án.

Trường hợp khởi kiện đến Tòa án, bên A phải chứng minh được mảnh đất này thuộc quyền sử dụng của bên A và việc bên B sử dụng là do được bên A cho mượn dựa vào:

- Hồ sơ địa chính của mảnh đất ghi nhận bên A là chủ sử dụng đất;

- Giấy tờ về việc cho mượn đất, người làm chứng,…

Nếu bên A không có giấy tờ nào để chứng minh nguồn gốc đất của mình và sự thỏa thuận giữa bên A và bên B thì sẽ rất khó khăn để đòi lại mảnh đất.

- Thứ hai, thẩm quyền giải quyết tranh chấp:

Căn cứ Khoản 2 Điều 202 Luật Đất đai năm 2003:

Điều 202. Hòa giải tranh chấp đất đai

2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

Theo đó, do đây là tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất, để giải quyết tranh chấp bên A cần làm đơn đến UBND cấp xã để tiến hành hòa giải, trường hợp hòa giải không thành thì biên bản hòa giải không thành của UBND cấp xã chính là căn cứ để bên A nộp đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo