Giải đáp pháp luật về thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn
Trước khi đi anh ấy có nói khi con được 7 tuổi sẽ về và giành quyền nuôi con. Xin hỏi Luật sư, nếu con được 7 tuổi mà chồng tôi về đòi quyền nuôi con, dựa trên các điều kiện thì chồng tôi có giành được quyền nuôi con không? Hiện tại tôi ở cùng Ba Mẹ, tôi có công việc và thu nhập ổn định. Trong trường hợp chồng tôi về tìm cách lôi kéo để con tôi đồng ý sang Đức ở cùng thì tôi có mất quyền nuôi con không? Thực tế từ khi tôi mang bầu và sinh con đều ở cùng Ba Mẹ và tự nuôi con, anh ấy thì ở nước ngoài và không có trách nhiệm cung cấp gì để nuôi con. Sau ly hôn thì cũng đi sang Đức, dự kiến 1 năm về 1 lần. Tôi có thể dựa vào việc anh ấy ko có trách nhiệm chăm nuôi con, là người phản bội, ngoại tình thiếu đạo đức, không đủ tư cách nuôi dạy con khôn lớn để giữ được quyền nuôi dạy con không? Rất mong Luật sư giải thích giúp tôi. Xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Chào bạn, Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Theo như bạn trình bày, HĐXX ra phán quyết bạn là người trực tiếp nuôi con. Tuy nhiên, theo Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình 2014, chồng bạn vẫn có quyền gửi đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn:
"1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự".
Vậy, nếu hai vợ chồng có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con; hoặc người chồng có đủ chứng cứ chứng minh bạn không đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì HĐXX mới chấp thuận thỏa thuận. Ngoài căn cứ nêu tại Khoản 2 Điều 84 Luật Hn và GĐ 2014, việc thay đổi người trực nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
Như vậy, nếu bạn có thể chứng minh được bạn có đầy đủ điều kiện để tiếp tục thực hiện trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con (về sức khỏe, học tập, tinh thần...) đồng thời căn cứ vào nguyện vọng của người con trên 7 tuổi thì TAND sẽ ra quyết định bác toàn bộ yêu cầu của người chồng. Ngoài ra, bạn cũng có thể đưa ra trước tòa các các căn cứ chứng minh chồng bạn không có trách nhiệm chăm nuôi con, là người phản bội, ngoại tình thiếu đạo đức, không đủ tư cách nuôi dạy con khôn lớn để tòa án xem xét trong quá trình giải quyết.
Trên đây là nội dung tư vấn về: Giải đáp pháp luật về thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình trực tuyến để được giải đáp.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất