Nguyễn Thu Trang

Ghen là gì? Đánh ghen lột đồ người khác bị xử lý thế nào?

Trong mối quan hệ tình cảm của những người đang yêu nhau hoặc của các cặp vợ chồng, chúng ta thường xuyên bắt gặp tình huống ghen giữa những người này. Thậm chí, chắc hẳn chúng ta từng biết đến hoặc trực tiếp chứng kiến vụ “đánh ghen” nào đó. Vậy ghen là gì và đánh ghen bị xử lý thế nào?... Luật Minh Gia sẽ trình bày qua bài viết sau.

1. Ghen là gì?

Ghen là một trạng thái cảm xúc tâm lý trong tình yêu và thường xảy ra khi đối phương khiến cho người còn lại cảm thấy không an toàn và ảnh hưởng đến tình cảm của họ. Ghen là trạng thái cảm xúc bình thường và chỉ bất thường khi không kiểm soát được sự bùng phát dữ dội của nó, khiến bản thân không kiểm soát, làm chủ được hành vi của mình.

Theo từ điển Tiếng Việt, Ghen là một trạng thái cảm xúc của con người, thể hiện sự khó chịu, bực dọc với người có được điều gì đó (thường là về tình cảm, quyền lực, địa vị, danh vọng,…).

Ghen chủ yếu do quá đặt nặng tính sở hữu, thiếu tự tin và lòng tin người khác hoặc lo sợ người khác hơn mình.

2. Phân loại ghen

Thường có hai kiểu:

- Ghen âm thầm, hướng tới tự huỷ hoại bản thân.

- Ghen có xu hướng tàn bạo có thể dẫn tới tội ác với người khác.

Một số trường hợp Ghen có nguồn gốc bệnh lí.

3. Đánh ghen là gì?

Đánh ghen là một động từ, thể hiện bằng những hành động bạo lực, thô bạo với người bị ghen, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự,… của người bị đánh ghen.

4. Đánh ghen lột đồ bị xử lý thế nào?

Phần lớn các vụ đánh ghen đều để lại những hậu quả tương đối nghiêm trọng, thậm chí nhiều trường hợp dẫn đến tử vong. Đối với trường hợp đánh ghen lột đồ của người khác, tùy từng tính chất mức độ có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Thông thường, khi đánh ghen lột đồ sẽ có các hành động túm tóc, giật áo hoặc có gây thương tích cho người bị đánh ghen.

- Xử phạt hành chính:

Trường hợp chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người đánh ghen, lột đồ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:

Điều 7. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

…b) Tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác hoặc xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

…5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;…”

- Xử lý hình sự:

Hành vi đánh ghen lột đồ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):

Điều 155. Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%75.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Nếu việc đánh ghen lột đồ mà cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho đối phương với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11 trở lên hoặc dưới 11% như dùng axit hoặc gây cố tật nhẹ cho đối phương hoặc đối phương đang có thai,… thì sẽ bị truy cứu về Tội cố ý gây thương tích, quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):

Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

đ) Có tổ chức;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

i) Có tính chất côn đồ;

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.”

Với hành vi đánh ghen lột đồ người khác, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, người đánh ghen còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị đánh ghen. Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015:

Điều 592. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

c) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

Trong chuyện tình cảm, đặc biệt là trong quan hệ vợ chồng, khi nhận thấy đối phương ngoại tình, không chung thủy thì cần bình tĩnh, tỉnh táo, có cách ứng xử và hành động phù hợp, tránh trường hợp vì thỏa mãn “cơn ghen” mà khiến bản thân vi phạm pháp luật.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo