Hoài Nam

Độc quyền là gì? Quyền độc quyền quy định thế nào?

Độc quyền cùng với cạnh tranh là hai phạm trù đối lập nhau trong nền kinh tế. Độc quyền có thể gây ra một số ảnh hưởng xấu đến thị trường và người tiêu dùng như sản phẩm giá cao, hạn chế sản xuất, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ…Vậy độc quyền là gì? Quyền độc quyền quy định thế nào?

1. Khái niệm về độc quyền

Theo từ điển Tiếng Việt, độc quyền được giải thích là “đặc quyền chiếm giữ một mình”. Khi một cá nhân, tổ chức nắm giữ, cung cấp một sản phẩm, dịch vụ nào đó mà chỉ duy nhất họ mới có, mới được cung cấp thì có thể gọi những cá nhân, tổ chức này đang độc quyền nắm giữ sản phẩm hoặc độc quyền cung cấp dịch vụ. Ví dụ như trong việc phát hành tiền tệ ở Việt Nam, ngân hàng nhà nước là tổ chức được độc quyền phát hành tiền tệ.

Độc quyền được sử dụng chủ yếu trong trong lĩnh vực kinh doanh trên thị trường. Dưới góc độ kinh tế học, cấu trúc thị trường được chia thành 04 loại chính: Cạnh tranh hoàn hảo (perfect competition); Cạnh tranh có tính độc quyền (monopolistic compettion); độc quyền nhóm (oligopoli); và độc quyền (monopoly). Trong đó, Độc quyền và cạnh tranh hoàn hảo là hai hiện tượng đối lập và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Cạnh tranh hoàn hảo là một hình thái thị trường trong đó có nhiều người mua và người bán cùng tham gia thị trường, các sản phẩm trên thị trường nhìn chung là đồng nhất, việc gia nhập hoặc rút khỏi thị trường được diễn ra tự do, thông tin thị trường mang tính minh bạch. Độc quyền là hình thái thị trường trong đó chỉ có một người bán duy nhất. Doanh nghiệp này không phải cạnh tranh đối với bất kì đối thủ nào trong việc bán sản phẩm của mình trên thị trường. Với mong muốn tối đa lợi luận, doanh nghiệp độc quyền sẽ ấn định giá độc quyền sản phẩm ở mức mà mình sẽ thu được lợi nhuận nhiều nhất. Kết quả của việc này là người tiêu dùng và xã hội sẽ phải gánh chịu mức giá cao của sản phẩm.

Như vậy, dưới góc độ kinh tế học, độc quyền được hiểu là hình thái thị trường trong đó có một doanh nghiệp duy nhất bán một sản phẩm mà không có một sản phẩm thay thế gần giống với nó. Việc thâm nhập vào ngành sản xuất này rất khó khăn hoặc không thể được.

2. Các dạng biểu hiện của độc quyền trong nền kinh tế Việt Nam

Độc quyền trong nền kinh tế nước ta được biểu hiện thành nhiều hình thức đa dạng, có thể kể đến một số hình thức sau:

Thứ nhất, hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Đây là dạng hành vi mà theo đó, các đối thủ cạnh tranh sẽ không cho doanh nghiệp khác tham gia kinh doanh, mở rộng hoạt động, ứng dụng công nghệ mới, ấn định sản lượng, tẩy chay không cung ứng sản phẩm hoặc dịch vụ. Mặt khác, thỏa thuận giữa các đối thủ cạnh tranh để phân chia địa bàn hoạt động, thị trường người cung cấp, người tiêu dung tương đối phổ biến. Tình trạng các doanh nghiệp thành viên của tổng công ty phải mua hoặc bán sản phẩm với tổng công ty hoặc các công trình xây dựng của địa phương phải sử dụng các sản phẩm (như xi măng, gạch…) trên địa bàn của tỉnh đó là tương đối phổ biến. Thực trạng này làm cho cạnh tranh nhiều khi không tồn tại hoặc bị bóp méo đi rất nhiều.

Thứ hai, hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường. Hành vi này được thực hiện chủ yếu bởi các doanh nghiệp Nhà nước (tổng công ty độc quyền hoặc có khả năng thống lĩnh thị trường) sử dụng để duy trì vị trí chi phối của mình trên thị trường. Các hành vi đó có thể là ấn định giá, phân biệt đối xử về giá, từ chối giao dịch, áp đặt các điều kiện ràng buộc bất hợp lý, hạn chế thị trường tiêu thị…

3. Nguyên nhân xuất hiện độc quyền trên thị trường

Sự xuất hiện của độc quyền được xuất phát từ nhiều nguyên nhân, có thể kể đến một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất, độc quyền xuất hiện là kết quả của quá trình cạnh tranh. Quá trình cạnh tranh sẽ làm cho những doanh nghiệp nào kém hiệu quả, có những quyết định kinh doanh sai lầm sẽ bị những doanh nghiệp khác làm ăn hiệu quả hơn thôn tính, chiếm lĩnh thị phần và rốt cuộc sẽ bị đào thải ra khỏi cuộc chơi. Trong trường hợp cực đoan nhất, nếu tất cả các doanh nghiệp khác đều bị một doanh nghiệp duy nhất đánh bại thì rốt cuộc, cạnh tranh tự do đã để lại một doanh nghiệp duy nhất trên thương trường và doanh nghiệp đó đương nhiên có được vị thế độc quyền.

Thứ hai, do được chính phủ nhượng quyền khai thác thị trường. Nhiều hãng trở thành độc quyền là nhờ được chính phủ nhượng quyền khai thác một thị trường nào đó, ví dụ các địa phương cho phép một công ty duy nhất cung cấp nước sạch trên địa bàn địa phương mình. Ngoài ra, với những ngành được coi là chủ đạo của quốc gia, có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng của đất nước thì chính phủ thường tạo cho nó một cơ chế có thể tồn tại dưới dạng độc quyền nhà nước như cung cấp điện, sản xuất vũ khí…

Thứ ba, do chế độ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Khi một cá nhân, tổ chức có những tác phẩm, phát minh, sáng chế đáp ứng được một số điều kiện có tính sáng tạo, tính mới thì có thể được pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đây được coi là một biện pháp để khuyến khích mọi người tham gia hoạt động nghiên cứu nhằm tìm ra những giải pháp mới nâng cao năng suất lao động và đời sống tinh thần cho xã hội.

4. Quyền độc quyền theo quy định của pháp luật

Hiện nay, theo quy định của luật về cạnh tranh không có quy định cụ thể về quyền độc quyền. Theo quy định tại Luật thương mại năm 2005 và Nghị định 94/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định danh mục 20 loại hàng hóa, dịch vụ thuộc sự độc quyền của Nhà nước như sản xuất vàng miếng, phát hành xổ số kiến thiết…

Với mục đích nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, đảm bảo cho thị trường có sự cạnh tranh hiệu quả, Luật cạnh tranh năm 2018 đã quy định một số hành vi cấm doanh nghiệp có vị trị độc quyền thực hiện. Doanh nghiệp được coi là có vị trí độc quyền nếu không có doanh nghiệp nào cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp đó kinh doanh trên thị trường liên quan. (Điều 25 Luật cạnh tranh năm 2018)

Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật cạnh tranh năm 2018, Doanh nghiệp có vị trí độc quyền không được thực hiện các hành vi sau đây:

- Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;

- Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;

- Áp dụng điều kiện thương mại khác nhau trong các giao dịch tương tự dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;

- Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác trong ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc yêu cầu doanh nghiệp khác, khách hàng chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;

- Ngăn cản việc tham gia hoặc mở rộng thị trường của doanh nghiệp khác;

- Áp đặt điều kiện bất lợi cho khách hàng;

- Lợi dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lý do chính đáng;

- Hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm theo quy định của luật khác.

Như vậy, ngoài các hành vi bị cấm thực hiện như trên thì doanh nghiệp có vị trí độc quyền sẽ được tự do thực hiện các quyền khác của mình theo quy định pháp luật.

Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu của các đối tượng sở hữu công nghiệp (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh) có các quyền tài sản sau:

- Sử dụng, cho phép người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định pháp luật;

- Ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 125 của Luật sở hữu trí tuệ.

- Định đoạt đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định pháp luật.

Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật sở hữu trí tuệ hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó. Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Bài viết liên quan
Tư vấn nhanh