Trần Tuấn Hùng

Điều kiện, thủ tục nhận con riêng của vợ làm con nuôi thế nào?

Nội dung tư vấn: Hoàn cảnh cụ thể là chị A thỏa mãn tất cả các điểm trong khoản 1 điều 14 luật Nuôi con nuôi 2010, không vi phạm điểm nào trong khoản 2, nhận bé C làm con nuôi (đủ các thủ tục pháp lý). Sau đó chị A kết hôn với anh B. Vậy thì bé C có được coi là con riêng của chị A không ạ? và có văn bản pháp luật nào về việc này không ạ?

Anh B cũng không vi phạm điểm nào trong khoản 2, và thỏa mãn các điểm trong khoản 1, trừ điểm b quy định về tuổi tác. Vậy thì anh B có quyền được nhận bé C làm con nuôi theo khoản 3 không ạ? Và việc nhận bé C làm con nuôi này phải được thực hiện trong thời kì hôn nhân giữa chị A và anh B hay là sau đấy cũng được ạ? Sau khi nhận nuôi thành công theo các thủ tục pháp luật thì cha mẹ nuôi muốn thay đổi tên cho con nuôi thì có được thay đổi giấy khai sinh cho con nuôi không hay sẽ có một thủ tục nào khác ạ? Em xin chân thành cảm ơn các luật sư tư vấn giúp em.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau. (Thời gian hỏi và trả lời tư vấn 1/2016).

Căn cứ Điều 2- Luật nuôi con nuôi 2010 quy định về mục đích nuôi con nuô

" Việc nuôi con nuôi nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình".

Theo thông tin bạn cung cấp thì việc nhận nuôi con nuôi của chị A đối với bé C là hoàn toàn hợp pháp. Vì vậy bé C sẽ được hưởng quyền như con đẻ đảm bảo con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình. Do pháp luật không có quy định cụ thể việc chị A kết hôn với anh B thì bé C có được coi là con riêng của chị A. Tuy nhiên căn cứ vào mục đích nuôi con nuôi và quyền con nuôi được hưởng thì bé C có thể coi là con riêng của chị A.

Mặt khác, căn cứ tại khoản 3- Điều 14 Luật nuôi con nuôi 201

"3. Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này".

Anh B cũng không vi phạm điểm nào trong khoản 2, và thỏa mãn các điểm trong khoản 1, trừ điểm b quy định về tuổi tác. Vậy thì anh B có quyền được nhận bé C làm con nuôi theo quy định của pháp luật.

Điều kiện người được nhận làm con nuôi tại Khoản 1, khoản 2 Điều 8 Luật Nuôi con nuôi 2010 gồm:

1.Trẻ em dưới 16 tuổi;

2.Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu

a) Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi

b) Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.

Thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi

Theo quy định tại Điều 9 của Luật Nuôi con nuôi, được quy định cụ thể tại Điều 2 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ, thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước thuộc UBND cấp xã, nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi thực hiện.
Trường hợp cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi hoặc có sự thỏa thuận giữa người nhận con nuôi với cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của trẻ em được nhận làm con nuôi, thì UBND cấp xã thường trú của người nhận con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi.

Việc thay đổi họ, tên con nuôi

Tại khoản 1 Điều 21 ; khoản 1, khoản 2 Điều 24 của Luật Nuôi con nuôi quy định :

Việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại; nếu cả cha mẹ đẻ đều đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người giám hộ; trường hợp nhận trẻ em từ đủ 9 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó.

Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Theo yêu cầu của cha mẹ nuôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thay đổi họ, tên của con nuôi. Việc thay đổi họ, tên của con nuôi từ đủ 09 tuổi trở lên phải được sự đồng ý của người đó.

Thẩm quyền, thủ tục đăng ký việc thay đổi họ tên

Khoản 1, Điều 36, Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định: Thay đổi họ, tên, chữ đệm đã được đăng ký đúng trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính giấy khai sinh nhưng cá nhân có yêu cầu thay đổi khi có lý do chính đáng theo quy định của Bộ luật Dân sự.

- Về thẩm quyền: Điều 37 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP quy định UBND cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh trước đây có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi họ tên cho người dưới 14 tuổi.

UBND cấp huyện, mà trong địa hạt của huyện đó đương sự đã đăng ký khai sinh trước đây, có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi họ, tên cho người từ đủ 14 tuổi trở lên.

- Thủ tục đăng ký việc thay đổi họ, tên được quy định tại Điều 38 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP đã được sửa đổi theo khoản 10, Điều 1 Nghị định số 06/2012/NĐ-CP như sau:

Người yêu cầu thay đổi họ, tên phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định), xuất trình bản chính Giấy khai sinh của người cần thay đổi và các giấy tờ liên quan để làm căn cứ cho việc thay đổi.

Việc thay đổi họ tên cho người chưa thành niên hoặc người mất năng lực hành vi dân sự được thực hiện theo yêu cầu của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

Đối với việc thay đổi họ, tên, cho người từ đủ 9 tuổi trở lên thì phải có ý kiến đồng ý của người đó thể hiện trong Tờ khai

Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu việc thay đổi họ, tên có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, thì cán bộ Tư pháp hộ tịch hoặc cán bộ Tư pháp của Phòng Tư pháp ghi vào Sổ đã đăng ký khai sinh trước đây và Quyết định về việc thay đổi họ, tên. Chủ tịch UBND cấp xã hoặc Chủ tịch UBND cấp huyện ký và cấp cho đương sự một bản chính Quyết định về việc thay đổi họ, tên. Bản sao Quyết định được cấp theo yêu cầu của đương sự. Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 5 ngày.

Nội dung và căn cứ thay đổi họ, tên phải được ghi chú vào cột ghi những thay đổi sau này của Sổ đăng ký khai sinh và mặt sau của bản chính Giấy khai sinh.

Sau khi việc thay đổi họ, tên đã được ghi vào Sổ đăng ký khai sinh, thì bản sao Giấy khai sinh từ Sổ đăng ký khai sinh sẽ ghi theo nội dung đã thay đổi.

Như vậy, sau khi nhận con nuôi thành công theo các thủ tục pháp luật thì cha mẹ nuôi muốn thay đổi tên cho con nuôi thì có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thay đổi họ tên của con nuôi. Thẩm quyền, thủ tục đăng ký việc thay đổi họ tên thực hiện theo quy định tại  Điều 36, Điều 37, Điều 38 Nghị định 158/2005/NĐ-CP nêu trên.

Căn cứ khoản 3- Điều 8- Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định về người được nhận làm con nuôi

"3. Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng".

Như vậy việc nhận con nuôi của anh B theo như quy định Luật nuôi con nuôi 2010 trên thì ta có thể hiểu việc nhận nuôi con nuôi của anh B thì phải thực hiện trong thời kì hôn nhân.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169