Hoài Nam

Điều kiện thay đổi tên cha mẹ đẻ thành tên cha mẹ nuôi trên giấy khai sinh của con

Sau khi nhận nuôi con nuôi, cha mẹ nuôi có quyền yêu cầu thay đổi tên cha mẹ đẻ thành tên cha mẹ nuôi trên giấy khai sinh của con không? Bố đẻ không chu cấp nuôi dưỡng, mẹ có quyền cản trở khi bố muốn đến gặp con không? Luật Minh Gia giải đáp thắc mắc liên quan đến vấn đề này qua tình huống sau đây:

1. Luật sư tư vấn về quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi

Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đẻ được chuyển giao sang cho cha mẹ nuôi một cách hợp pháp. Nếu bạn đang muốn tìm hiểu về quy định của pháp luật về quyền của cha mẹ nuôi với con nuôi, hãy gửi câu hỏi, ý kiến thắc mắc của mình về Email của công ty Luật Minh Gia hoặc liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến để được các Luật sư hướng dẫn.

2. Luật sư tư vấn về quyền thay đổi tên cha đẻ sang tên cha nuôi trên giấy khai sinh

Câu hỏi tư vấn: Xin chào luật sư, tôi có 1 trường hợp cần được tư vấn như sau: Tôi và chồng cũ li hôn có 1 bé gái 2 tuổi. Con do tôi nuôi và bố đẻ không chu cấp nuôi dưỡng, tôi lấy chồng mới, vợ chồng tôi có làm thủ tục cho chồng hiện tại nhận con riêng của vợ làm con nuôi.

Để thuận tiện cho sau này, tôi muốn thay đổi phần họ tên bố đẻ sang họ tên bố nuôi trong giấy khai sinh có được hay không? Vì bố đẻ cháu không đi lại thăm nom, cũng ở khác tỉnh nên thật sự vợ chồng tôi không muốn con mình có liên quan gì đến bố đẻ của bé sau này. Thủ tục cần những gì ạ? Có bắt buộc phải có sự đồng ý của bố đẻ không? Rất mong nhận được sự tư vấn của quý công ty. Xin chân thành cảm ơn!

Luật sư tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

Thứ nhất, về việc thay đổi phần họ tên bố đẻ sang họ tên bố nuôi trong giấy khai sinh

Căn cứ thông tin bạn cung cấp, chồng mới của bạn đã làm thủ tục nhận con riêng của bạn làm con nuôi và bạn muốn phần tên cha đẻ trên giấy khai sinh sẽ được đổi sang tên cha nuôi. Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 19/2011/NĐ-CP:

Điều 10. Thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi

3. Trường hợp có sự thỏa thuận giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi, sự đồng ý của con nuôi từ 9 tuổi trở lên về việc thay đổi phần khai về cha mẹ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh của con nuôi; thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký khai sinh cho trẻ em đăng ký khai sinh lại cho con nuôi và thu hồi Giấy khai sinh cũ; tại cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ là cha mẹ nuôi.

Theo đó, nếu bạn muốn thay đổi tên cha đẻ trên Giấy khai sinh của con thì phải được sự đồng ý của cha đẻ và có văn bản thỏa thuận của cha mẹ đẻ và cha nuôi. Trường hợp bố đẻ không đồng ý thay đổi thông tin thì một mình chị không thể tự thực hiện thủ tục này.

Thứ hai, về việc không muốn cha đẻ liên quan đến con

Theo quy định tại Điều 83 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014:

Điều 83. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Với quy định này, bạn là người trực tiếp nuôi con nhưng không được quyền cản trở người bố trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Nếu bố đẻ có hành vi phá tán tài sản của con, có lối sống đồi trụy, xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội,… bạn có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên theo quy định Điêu 85 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014:

Điều 85. Hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên

1. Cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây:

a) Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

b) Phá tán tài sản của con;

c) Có lối sống đồi trụy;

d) Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

2. Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 86 của Luật này ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm. Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề anh/chị yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác anh/chị vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo