Luật sư Trần Khánh Thương

Điều kiện xin cấp giấy phép xây dựng

Giấy phép xây dựng là một loại văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư trước khi thực hiện xây dựng, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình. Vậy trình tự, thủ tục thực hiện cấp giấy phép xây dựng được quy định như thế nào?

Câu hỏi tư vấn: Tôi đang công tác tại trường cao đẳng, trường tôi đang trong quá trình xây dựng cơ sở vật chất. Năm 2018 trường tôi có xây dựng khu dãy ký túc xá và đã xin giấy phép xây dựng (trong giấy phép xây dựng cấp dãy nhà 4 tầng) nhưng trong quá trình làm chúng tôi đã xây thành dãy 5 tầng (sai theo giấy phép xây dựng và quy hoạch). Công trình đó đã bị Thanh tra xây dựng lập biên bản vi phạm và đến nay vẫn đang trong quá trình xử lý. Tháng 2/2020 trường tôi tiếp tục đầu tư xây dựng dãy nhà hành chính và có làm hồ sơ xin giấy phép xây dựng gửi phòng quản lý đô thị, nhưng phòng đô thị đã trả lời ko cấp phép được vì công trình trước chúng tôi xây vẫn đang vi phạm trật tự xây dựng, chưa xử lý xong nên không đủ căn cứ để cấp cho công trình nhà hành chính. Tôi xin hỏi:

 1.Phòng đô thị trả lới có đúng không. Căn cứ vào văn bản nào mà ko đủ điều kiện cấp phép?

2.Để cấp được cấp giấy phép xây dựng dãy nhà hành chính, chúng tôi phải làm những thủ tục gì?

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến Luật Minh Gia, sau khi nghiên cứu trường hợp của bạn chúng tôi đưa ra nội dung tư vấn như sau:

Thứ nhất, về điều kiện xin cấp giấy phép xây dựng:

Theo quy định tại Điều 91 Luật xây dựng 2014 có quy định về điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình trong đô thị như sau:

Điều 91. Điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình trong đô thị

1. Phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đối với công trình xây dựng ở khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng thì phải phù hợp với quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

2. Phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt.

3. Bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật, hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, năng lượng, giao thông, khu di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa; bảo đảm khoảng cách an toàn đến công trình dễ cháy, nổ, độc hại và công trình quan trọng có liên quan đến quốc phòng, an ninh.

4. Thiết kế xây dựng công trình đã được thẩm định, phê duyệt theo quy định tại Điều 82 của Luật này.

5. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng phù hợp với từng loại giấy phép theo quy định tại các điều 95, 96 và 97 của Luật này.

Theo đó, để xin giấy phép xây dựng đối với công trình trong đô thị thì đơn vị của bạn cần đáp ứng đủ các điều kiện để được cấp giấy phép xây dựng theo quy định tại Điều 91 Luật Xây dựng 2014. Theo những thông tin bạn cung cấp thì đơn vị của bạn hiện nay đang đầu tư, xây dựng dãy nhà hành chính và có hồ sơ gửi xin giấy phép xây dựng nhưng bị phòng quản lý đô thị đã trả lời không cấp phép được vì công trình trước vẫn đang vi phạm trật tự xây dựng, chưa xử lý xong nên không đủ căn cứ để cấp cho công trình nhà hành chính. Hiện nay chưa có quy định về việc sẽ không được xin giấy phép xây dựng mới trong trường hợp đang bị xử lý vi phạm về việc xây dựng công trình không đúng theo giấy phép xây dựng. Vì vậy việc phòng quản lý đô thị trả lời không được cấp phép xây dựng vì lý do công trình trước vẫn đang xử lý vi phạm trật tự xây dựng là không có căn cứ pháp luật. Ngoài ra, trong trường hợp này, bạn cũng cần xác định rõ về thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng đối với công trình tại cơ quan của bạn thuộc về cơ quan nào, về vấn đề thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng sẽ được chúng tôi trình bày chi tiết ở phần tiếp theo.

Thứ hai, về trình tự, thủ tục thực hiện cấp giấy phép xây dựng:

- Về thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng được quy định tại Khoản 37 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020

37. Bãi bỏ khoản 1, sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 103 như sau:

“2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình thuộc đối tượng có yêu cầu phải cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh, trừ công trình quy định tại khoản 3 Điều này. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền cho Sở Xây dựng, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng thuộc chức năng và phạm vi quản lý của cơ quan này.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp III, cấp IV và nhà ở riêng lẻ trên địa bàn do mình quản lý.”.

Thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng có thể do Bộ Xây dựng, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện cấp tùy thuộc vào công trình xin giấy phép xây dựng. Do bạn chưa cung cấp cho chúng tôi thông tin về việc công trình mà đơn vị bạn đang thực hiện cấp phép xây dựng là loại công trình nào nên chúng tôi chưa có căn cứ để xác định rõ cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Bạn có thể tham khảo quy định trên để xác định thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng đối với công trình tại đơn vị của bạn.

-Về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng mới theo quy định tại Điều 43 Nghị định 15/2021/NĐ-CP

Điều 43. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp xây dựng mới

1. Đối với công trình không theo tuyến:

a) Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo quy định tại Mẫu số 01 Phụ lục II Nghị định này;

b) Một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

c) Quyết định phê duyệt dự án; văn bản thông báo kết quả thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng và hồ sơ bản vẽ thiết kế cơ sở được đóng dấu xác nhận kèm theo (nếu có); báo cáo kết quả thẩm tra thiết kế xây dựng theo quy định tại khoản 4 Điều 41 Nghị định này; giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy và các tài liệu, bản vẽ được thẩm duyệt kèm theo theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; văn bản kết quả thực hiện thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với trường hợp không thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng tại cơ quan chuyên môn về xây dựng;

d) 02 bộ bản vẽ thiết kế xây dựng trong hồ sơ thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở được phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng, gồm; bản vẽ tổng mặt bằng toàn dự án, mặt bằng định vị công trình trên lô đất; bản vẽ kiến trúc các mặt bằng, các mặt đứng và mặt cắt chủ yếu của công trình; bản vẽ mặt bằng, mặt cắt móng; các bản vẽ thể hiện giải pháp kết cấu chính của công trình; bản vẽ mặt bằng đấu nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài công trình, dự án.

Do công trình xây dựng trường học không nằm trong danh mục những công trình xây dựng theo tuyến nên đơn vị của bạn phải chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng không theo tuyến. Theo đó, hồ sơ gồm: đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng, giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất,…được quy định tại Điều 43 Nghị định trên.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn