Cà Thị Phương

Đất bỏ hoang bao nhiều năm thì mất quyền sử dụng

Việc khai hoang đất để sử dụng có được coi là sở hữu hợp pháp không? Giải quyết tranh chấp đất khai hoang thực hiện bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền được thực hiện như thế nào theo quy định? Công ty luật Minh Gia tư vấn các quy định pháp lý về đất khai hoang và việc sử dụng đất khai hoang theo quy định của pháp luật như sau.

Câu hỏi yêu cầu tư vấn:

Xin chào văn phòng luật sư, tôi có một câu hỏi mong được văn phòng luật sư giúp đỡ. Bà tôi có 4 người con, 2 trai và 2 gái. Theo bố tôi kể thì năm 2000, Sở Nông nghiệp phát triển nông thông Bắc Thái tiến hành đo đạc lại đất đai thì mảnh đất do bố tôi khai phá đứng tên bố tôi. Nhưng nay, bản đồ đó lại ghi là Đất màu. Bố tôi khẳng định là bị chính quyền xóa đi để hợp thức hóa làm bìa đỏ cho người khác là chị gái bố tôi.

Nguyên do như sau: Năm 2000, trong bản đồ 299 thì có tên bà nội tôi, bác gái cả, bác trai thứ 2, mảnh đất của bố tôi thì giờ trong bản đồ là đất màu, bác gái thứ 3 trên bố tôi không có tên vì lúc đó bác đã lập gia đình ở nơi khác. Năm 2010, bác gái thứ 3 ly hôn chồng, bố tôi thương tình nên cho bác ấy mượn ở trên đất của bố tôi nhưng sau đó bác đã làm bìa đỏ đứng tên bác ấy. Đến năm 2016, gia đình tôi phát hiện ra thì bà tôi bảo phần của bà tôi cho bác. Đến nay bố tôi và bác gái cả không có quyền sử dụng đất. Dù nhà tôi có xây nhà trên một phần diện tích mảnh đất bố tôi khai phá. Tôi muốn hỏi là trong trường hợp này nhà tôi có thể có cơ hội đòi lại đất của bố tôi không? Bây giờ bố tôi đã hơn 50 tuổi có con và cháu nhưng 3 đời nhà tôi không có đất. Trong khi bác thứ 2 gần 10.000m2, bác thứ 3 2.000m2; bà nội tôi 3.000m2 thì bố tôi có được đòi hỏi quyền thừa kế giống các anh chị mình không? Bà nội tôi hộ khẩu là chủ hộ của gia đình tôi, trong trường hợp bà làm di chúc thì có cần chữ kí của bố tôi không? Nếu bà tôi lập di chúc chia hết cho người khác thì gia đình tôi có kiện đòi quyền lợi được không? Câu hỏi của tôi hơi nhiều mong luật sư giúp đỡ, vì gia đình tôi đến nay 3 đời không có 1 tấc đất tôi vô cùng bức xúc.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất: Về quyền đòi lại đất

Theo thông tin bạn cung cấp thì phần diện tích đất mà bác gái thứ 3 được cấp sổ đỏ là diện tích đất do bố bạn khai hoang và cho bác gái thứ 3 mượn sử dụng từ năm 2010. Hiện tại bác gái thứ 3 đứng tên trên mảnh đất của bố bạn thì bác phải nhận chuyển nhượng hoặc nhận tặng cho quyền sử dụng đất từ bố bạn. Tuy nhiên rõ ràng không có gì chứng minh điều này (hợp đồng tặng cho hay hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất,...). Vì vậy, bố bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp quận/ huyện nơi có đất để đòi lại tài sản theo quy định tại Điều 166 Bộ luật Dân sự 2015 về quyền đòi lại tài sản như sau:

1. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.

2. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ sự chiếm hữu của chủ thể đang có quyền khác đối với tài sản đó

Khi khởi kiện ra tòa án, để bảo vệ quyền lợi của mình, bố bạn cần chứng minh được nguồn gốc đất là do mình khai hoang. Sau khi khai hoang bố bạn không trực tiếp sử dụng nhưng có cho người bác gái thứ 3 mượn sử dụng. Việc chứng minh ngoài việc căn cứ trên hồ sơ địa chính thì có thể dựa trên thực tế sử dụng đất, người làm chứng...

Thứ hai: Về việc thừa kế

Theo quy định tại BLDS 2015 về Quyền thừa kế và di sản như sau:

Điều 609. Quyền thừa kế

Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Điều 612. Di sản

Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.

Do đó, việc bà bạn là chủ hộ hay không không quan trọng. Quan trọng ở đây là bà bạn chỉ có quyền định đoạt đối với 3000 mét vuông đất đứng tên bà. Còn số đất còn lại bà không có quyền định đoạt cho nên cũng không có quyền di chúc chia tài sản số đất không thuộc quyền sở hữu của bà.

- Đối với vấn đề di chúc của bà:

Di chúc của bà sẽ không cần chữ ký của bất kỳ ai ngoài bà. Tuy nhiên, để di chúc hợp pháp thì di chúc đó phải thỏa mãn các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể như sau:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

+ Nếu di chúc hợp pháp mà nội dung trong di chúc bà chia hết tài sản cho các người con khác thì gia đình bạn không có quyền đòi quyền lợi đối với 3000m vuông đất đứng tên của bà.

+ Nếu di chúc không hợp pháp, bố bạn có quyền kiện ra Tòa yêu cầu tuyên bố di chúc vô hiệu. Trường hợp di chúc được tuyên vô hiệu, di sản của bà sẽ được chia đều cho 4 người con của bà (bao gồm cả mảnh đất) theo trường hợp chia thừa kế theo pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà ( quy định tại Điều 650, điều 651 BLDS 2015).

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo