Lò Thị Loan

Đã từng đóng BHXH thì có được hưởng chế độ thai sản?

Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Chế độ thai sản là những hiện tượng xảy ra rất tự nhiên với mỗi con người, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đời sống của người lao động.

Do đó, khi nghỉ sinh con một trong những chế độ mà người lao động nữ quan tâm là chế độ thai sản. Vậy để được hưởng chế độ thai sản khi sinh con người lao động phải đáp ứng điều kiện gì? Cách tính thời gian để được hưởng chế độ thai sản được quy định như thế nào?

Câu hỏi:

Chào luật sư. Luật sư cho tôi hỏi là: Tôi đi làm và đóng bảo hiểm được 03 năm. Sau đó tôi nghỉ việc tại công ty và không đóng bảo hiểm nữa cho đến bây giờ là năm 20xx. Hiện tại tôi vẫn còn đang giữ cuốn sổ bảo hiểm đó. Vậy cho tôi hỏi nếu giờ năm 20xx tôi có thai thì tôi có được hưởng chế độ thai sản không? Nếu không được hưởng thì tôi được hưởng thêm chế độ gì không? Tôi xin cám ơn.

Trả lời:

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, yêu cầu hỗ trợ của bạn chúng tôi sẽ tư vấn như sau:

Thứ nhất, về điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con

Theo quy định tại Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014:

Điều 31. Điều kiện hưởng chế độ thai sản

1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Lao động nữ mang thai;

b) Lao động nữ sinh con;

c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này.

Theo đó, điều kiện hưởng chế độ thai sản là phải đóng BHXH bắt buộc đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh. Như vậy bất kể trước đây bạn đã đóng bao nhiêu năm, nếu trong thời gian 12 tháng trước khi sinh bạn không đóng đủ ít nhất 6 tháng thì vẫn không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản.

Thứ hai, về chế độ bảo hiểm xã hội một lần

Theo Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP Nghị định quy định chi tiết một số điều của luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định như sau:

Điều 8. Bảo hiểm xã hội một lần

1. Người lao động quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 của Nghị định này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;

b) Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội;

c) Ra nước ngoài để định cư;

d) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;

2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:

a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;

b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;

c) Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

3. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều này không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, trừ trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều này.

4. Thời điểm tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần là thời điểm ghi trong quyết định của cơ quan bảo hiểm xã hội.

5. Hồ sơ, giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần thực hiện theo quy định tại Điều 109 và các Khoản 3, 4 Điều 110 của Luật Bảo hiểm xã hội.

Theo đó, nếu sau một năm bạn nghỉ việc bạn không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội bạn có thể làm thủ tục hồ sơ xin hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần. Theo quy định mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau: 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014; 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169