LS Thanh Hương

Đã cho con làm con nuôi, có được đòi quyền nuôi dưỡng không?

Luật sư tư vấn trường hợp cho con làm con nuôi, nhưng muốn đòi quyền nuôi dưỡng, các vướng mắc và hậu quả pháp lý liên quan đến việc chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi.

Câu hỏi: Dear Luật Minh Gia.Tôi và vợ tôi kết hôn năm 2014 (có giấy kết hôn). Sau đó chúng tôi có với nhau 1 con gái, hiện nay hơn 3 tuổi.Vợ chồng tôi muốn cho con gái tôi cho chị ruột tôi làm con nuôi. Vợ chồng tôi sẽ đến UBND xã làm thủ tục cho và nhận con nuôi. Xin cho tôi hỏi, nếu sau này vợ chồng tôi li hôn thì vợ tôi có quyền giành nuôi con gái tôi không? Tôi có quyền giành quyền nuôi con không? Hay quyền nuôi con là của chị ruột tôi?Và khi nào thì chị tôi mất quyền nuôi con nuôi?Xin vui lòng tư vấn giúp tôi, xin cám ơn.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

Căn cứ theo quy định tại Điều 24 – Luật Nuôi con nuôi 2010 về hệ quả của việc nuôi con nuôi:

Điều 24. Hệ quả của việc nuôi con nuôi

1. Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Theo yêu cầu của cha mẹ nuôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thay đổi họ, tên của con nuôi.

Việc thay đổi họ, tên của con nuôi từ đủ 09 tuổi trở lên phải được sự đồng ý của người đó.

3. Dân tộc của con nuôi là trẻ em bị bỏ rơi được xác định theo dân tộc của cha nuôi, mẹ nuôi.

4. Trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi.

Theo quy định trên, thông thường, sau khi thực hiện xong thủ tục giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ sẽ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng với người con đã cho làm con nuôi.

Như vậy, nếu bạn và vợ đã đồng ý cho con làm con nuôi và thủ tục này cũng được hợp thức hóa về mặt pháp luật thì việc yêu cầu xác định người trực tiếp nuôi con với cháu bé này sau khi vợ chồng bạn li hôn sẽ không có giá trị, do lúc này pháp luật đã xác định cháu đang được nuôi dưỡng bởi một người khác và những quyền, nghĩa vụ của người này cũng được công nhận với tư cách cha/mẹ nuôi.

Tuy nhiên, quy định trên cũng thể hiện trong trường hợp có thỏa thuận khác giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi thì cha mẹ nuôi có thể vẫn được quyền nuôi dưỡng con. Nhưng cần lưu ý, vấn đề thỏa thuận này không phải căn cứ để chấm dứt việc nuôi con nuôi. Nếu thỏa thuận được với chị gái, bạn và vợ sẽ có quyền nuôi dưỡng con, nhưng pháp luật vẫn bảo vệ quyền của cha mẹ nuôi và không thể xảy ra trường hợp vợ chồng bạn yêu cầu tòa quyết định người trực tiếp nuôi con sau khi li hôn với người con đã được cho làm con nuôi.

Căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi được thể hiện tại Điều 25 – Luật Nuôi con nuôi 2010 như sau:

Điều 25. Căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi

Việc nuôi con nuôi có thể bị chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

1. Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi;

2. Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi;

3. Cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi;

4. Vi phạm quy định tại Điều 13 của Luật này.

Như vậy, chỉ trong những trường hợp được quy định tại Điều 25 – Luật nuôi con nuôi thì quan hệ cha mẹ nuôi – con nuôi mới bị chấm dứt. Việc chấm dứt quan hệ này không phụ thuộc vào thỏa thuận giữa gia đình bạn và gia đình người chị gái mà phải đảm bảo các căn cứ thể hiện trong Điều luật.

Theo quy định trên thì sau khi người con nuôi đã thành niên, cha mẹ nuôi mới có quyền thỏa thuận tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi. Do vậy, nếu cháu bé chưa đủ 18 tuổi và không rơi vào một trong các trường hợp quy định tại Điều 25 như trên, quan hệ nuôi con nuôi sẽ không thể chấm dứt ngay cả có sự thỏa thuận giữa cha mẹ nuôi và cha mẹ đẻ.

Vấn đề nuôi dưỡng con chỉ đặt ra khi người con nuôi chưa thành niên, nếu quan hệ nuôi con nuôi chấm dứt khi con gái anh chưa đủ 18 tuổi thì tòa án sẽ xem xét giao lại cho cha mẹ đẻ hoặc tổ chức, cá nhân khác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục vì lợi ích tốt nhất của bé.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169