Nguyễn Nhàn

Công chức xin thôi việc đóng tiếp BHXH thế nào?

Công chức sau khi xin nghỉ việc có được tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hay không? Chế độ trợ cấp thôi việc với công chức được quy định cụ thể như thế nào? Qua bài viết này Luật Minh Gia tư vấn cụ thể, quý khách có thể tham khảo nội dung tư vấn dưới đây để có thêm kiến thức về vấn đề này.

1. Công chức sau khi nghỉ việc đóng tiếp BHXH thế nào?

Câu hỏi:

Tôi là công chức xin thôi việc. Thời gian đã đóng BHXH bắt buộc là 19 năm. Vậy, khi tôi làm việc cho Doanh nghiệp tư nhân có được tiếp tục đóng BHXH bắt buộc không? và đồng thời có được hưởng trợ cấp thôi việc theo Điều 5 Nghị định 46/2010/NĐ-CP không? Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời:

Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với trường hợp anh đang vướng mắc Luật Minh Gia tư vấn như sau:

- Thứ nhất, về việc tiếp tục tham gia bảo hiểm khi không còn là công chức

Tại Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 có quy định về đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:

“1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

c) Cán bộ, công chức, viên chức;

...”

Căn cứ theo quy định nêu trên, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn hợp đồng từ 01 tháng trở lên thì thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm theo quy định của pháp luật. Do đó, nếu anh tiếp tục làm việc cho doanh nghiệp tư nhân và được lý hợp đồng lao động từ 01 tháng trở lên thì anh vẫn được tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội.

- Thứ hai, về chế độ trợ cấp thôi việc của công chức

Tại Điều 3 Nghị định 46/2010/NĐ-CP có quy định về trường hợp công chức được hưởng chế độ thôi việc như sau:

“Công chức được hưởng chế độ thôi việc quy định tại Nghị định này trong các trường hợp sau:

1. Theo nguyện vọng và được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền đồng ý.

2. Do 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Cán bộ, công chức.”

Theo quy định của pháp luật, khi công chức chấm dứt hợp đồng thuộc một trong hai trường hợp nêu trên thì được giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc. Mức hưởng trợ cấp thôi việc quy định tại Điều 5 Nghị định 46/2010/NĐ-CP như sau: cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 (một phần hai) tháng lương hiện hưởng, gồm: mức lương theo ngạch, bậc, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có). Mức trợ cấp thấp nhất bằng 01 (một) tháng lương hiện hưởng.

Như vậy, căn cứ theo các quy định nêu trên khi công chức thôi việc thì sẽ được đơn vị chi trả trợ cấp thôi việc tương ứng với thời gian làm việc có tham gia bảo hiểm xã hội.

Với trường hợp của anh, khi anh thôi việc và thuộc một trong hai trường hợp tại Điều 3 đã nêu trên thì anh được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc tương ứng với thời gian công tác có đóng bảo hiểm theo quy định tại Điều 5 Nghị định 46/2010/NĐ-CP.

---

2. Tư vấn quy định về tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội

Câu hỏi:

Vợ tôi trước đây làm việc tại doanh nghiệp liên doanh, năm nay 45 tuổi, sổ bảo hiểm chốt vào năm 2009 đã đóng được 12 năm 11 tháng, đã thôi việc nhưng chưa hưởng bảo hiểm. Nay tôi muốn tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội có được không? mức đóng? đóng theo doanh nghiệp mới hay đóng tự nguyện. Văn bản nào để tham khảo?

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Luật MInh Gia, câu hỏi của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

- Về bảo lưu thời gian đóng BHXH

Theo quy định tại Điều 61 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội:

"Người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật này hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 60 của Luật này thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội".

Theo đó, vì vợ bạn đóng bảo hiểm được 12 năm 11 tháng, đã thôi việc nhưng chưa hưởng bảo hiểm nên theo quy định nêu trên được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm. Vì vậy, hiện tại nếu vợ bạn lại muốn tham gia bảo hiểm thì thời gian đóng bảo hiểm trước đây sẽ được tính cộng tiếp với thời gian sẽ tiếp tục đóng bảo hiểm để tính thời gian đóng bảo hiểm.

- Lựa chọn hình thức đóng tiếp bảo hiểm xã hội

Về việc bảo hiểm đóng theo doanh nghiệp mới hay đóng tự nguyện thì trường hợp vợ bạn nếu vợ bạn chưa đi làm, thì bảo hiểm sẽ là đóng tự nguyện.

Trường hợp vợ bạn hện tại đã đi làm cho doanh nghiệp mới thì vợ bạn sẽ thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội thì sẽ phải đóng bảo hiểm bắt buộc do doanh nghiệp đóng theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:

"Xem chi tiết quy định tại phần (1)"

Như vậy, để giải quyết vấn đề này, bạn có thể tham khảo các văn bản pháp luật: Luật bảo hiểm xã hội 2014; Nghị định số 115/2015 NĐ- CP và để tìm hiểu thêm có thể tham khảo các văn bản có liên quan như: Bộ luật lao động 2012; Luật Việc làm 2013.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo