Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Con trên 3 tuổi mẹ có được quyền nuôi con không?

Câu hỏi tư vấn: Chào Luật Minh Gia cho tôi hỏi về quyền nuôi con của người mẹ khi cháu trên 36 tháng tuổi, cụ thể như sau: Vợ chồng tôi có với nhau 1 con chung, hiện tại cháu đã hơn 03 tuổi. Tôi xin được hỏi khi chúng tôi ly hôn, tôi là mẹ có được quyền nuôi con. Tôi có đầy đủ điều kiện để có thể chăm sóc và giáo dục con nên người. Tôi xin cảm ơn luật sư!

Trả lời: Chào bạn cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn, trường hợp bạn thắc mắc Luật Minh Gia trả lời bạn như sau:  

Tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn:

“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

nuoi-con-khi-ly-hon-jpg-11072014030836-U17.jpg 

Tư vấn trường hợp mẹ có được quyền nuôi con khi ly hôn không

Như vậy, đối với trường hợp của bạn, con đã hơn 3 tuổi, nên hai bạn có thể thỏa thuận về việc ai sẽ có quyền trực tiếp nuôi con. Nếu không thỏa thuận được và bạn muốn giành quyền nuôi con thì bạn cần đưa ra chứng cứ chứng minh với tòa án  bạn có điều kiện tốt hơn chồng về mọi mặt để nuôi con phát triển tốt cả về thể chất lẫn tinh thần như: công việc thu nhập ổn định, chỗ ở ổn định cũng như có nhiều thời gian chăm sóc con hơn chồng bạn,...Và nếu bạn có căn cứ chứng minh chồng bạn có những thói quen ảnh hưởng không tốt đối với con như: vũ phu hay đánh đập vợ con, cờ bạc, nghiện rượu,...sẽ là yếu tố thuận lợi cho bạn để tòa án căn cứ để đưa ra quyết định.

---

- Giành lại quyền nuôi con đã 36 tháng tuổi quy định thế nào?

Nội dung câu hỏi: Sau khi ly hôn con tôi ở với vợ cũ. Hiện giờ con tôi đã được 36 tháng tuổi và tôi cũng đã tiến thêm bước nữa. Những từ khi ly hôn đến giờ vợ cũ không tạo điều kiện để tôi thăm non con và hành vi ngăn cản tôi tiếp xúc với con. Khi tôi xuống thăm con vợ cũ đem giấu vào phòng đóng cửa và chửi bới trước mặt con. Còn giành giật con khi con ôm chặt lấy tôi. Em yêu cầu cho con về nhà chơi thì chửi bới và nhắn tin yêu cầu tôi và gia đình cắt đứt mối quan hệ vs con. Tôi còn lưu lại những tin nhăn ấy. Giờ tôi dùng những tin nhắn và có ng làm chứng việc vợ cũ nhốt con vào phòng ko cho gặp để khởi kiện giành lại quyền được nuôi con được không ạ? Về điều kiền chỗ ăn, ở, học tập và giải trí cho con thì tôi hơn vợ cũ. Vợ cũ tôi ở chung với bố mẹ làm nghề mổ lợn và chỗ giết mổ cũng ngay cạnh nhà không có che chắn. Vợ cũ tôi thì đi làm cả tuần không có nhiều thời gian giành cho con. Vậy nên giờ tôi muốn giành lại quyền nuôi con. Những tôi sợ tôi đi bước nữa rồi có hưởng đến việc giành lại quyền nuôi con không ạ?

Trả lời: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014: “1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.”

Như vậy, mặc dù quan hệ hôn nhân của hai vợ chồng bạn đã chấm dứt nhưng quyền và nghĩa vụ với con cái vẫn phải được bảo đảm.

Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.       

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”

Trong trường hợp này, bạn có quyền thăm con mà không ai được cản trở hoặc việc thăm con của bạn không ảnh hưởng xấu tới việc chăm nom, chăm sóc, giáo dục con.

Nếu con bạn đã ba tuổi thì bạn có thể nộp đơn yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con theo quy định tại Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình 2014:

“1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.”

Như vậy, nếu hai bạn không thỏa thuận được về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con thì bạn phải đưa ra các bằng chứng chứng minh được vợ mình không còn đủ các điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con làm căn cứ để Tòa giải quyết thay đổi người trực tiếp nuôi con. Đồng thời, bạn phải chứng minh các điều kiện của mình tốt hơn so với vợ cũ về mọi mặt. Các điều kiện cần chứng minh đó là:

+. Thu nhập hàng tháng (có đảm bảo để nuôi con hay không)

+. Chỗ ở ổn định;

+. Môi trường sống đảm bảo cho sự phát triển tốt nhất về hể chất và tinh thần cho con.

+. Thời gian làm việc có đảm bảo để chăm sóc con hay không.

+. Sự quan tâm, chăm sóc giành cho con.

Trường hợp bạn đã có cuộc sống hôn nhân mới cũng không ảnh hưởng tới việc bạn giành quyền nuôi con nếu bạn chứng minh được vợ bạn không đủ điều kiện chăm sóc cho con hoặc để con sống với mẹ thì sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của con và mình hoàn toàn có đủ khả năng chăm sóc cho con kể cả trong trường hợp bạn đã có cuộc sống hôn nhân mới.

Trên đây là nội dung tư vấn về: Con trên 3 tuổi mẹ có được quyền nuôi con không?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn luật hôn nhân gia đình trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169