Lò Thị Loan

Sổ đỏ bị người thân mang đi cầm cố lấy lại thế nào?

Chào Luật sư! Gia đình em có một miếng ruộng diện tích là 3240m2, sổ đỏ do mình ba em đứng tên. Anh trai em do làm ăn thua lỗ đã lén lấy sổ đỏ đưa cho chú em (e ruôt của ba) cầm dùm mà không có sự cho phép của ba em. Đến khi chú em đến nhà em nói chuyện là anh em nhờ chú cầm dùm nhưng 4 tháng vẫn chưa đóng tiền lời cho người ta, người ta nói nếu không chuộc ra hoặc không đóng tiền lời thì người ta sẽ cầm khống qua cho xã hội đen để lấy tiền gốc về.

Ba mẹ em thì già yếu, lại mắc bệnh hiểm nghèo, ba thì bị hẹp mạch vành, mẹ thì bị tai biến mạch máu não liệt nữa người, gia đình giờ chỉ còn mình em kiếm ra tiền. Nghe vậy em liền chạy vay mượn ng thân được 55 triệu, xin chuộc sổ đỏ ra. Nhưng chú em lại làm khó nói này nọ k đủ tiền thì sao chuộc, nhưng khi em nói đến cầm giấy tờ đâu đưa ra, thì chú em lại nói do chú cầm ng quen nên không có giấy tờ gì hết, còn nói nếu không có tiền chuộc thì đóng tiền lời, còn không thì sẽ giao qua cho xã hội đen ở nhà tự giải quyết.

Em cũng muốn chuộc đại ra cho rồi, nhưng qua nhiều lần nói chuyện và hỏi thăm ng này ng kia thì phát hiện sổ đỏ là do chính chú em cầm chứ không cầm cho ai hết. và số tiền cầm có thể do chú em và anh em thông đồng kê lên để em chuộc chứ thật sự không đến 55 triệu. Em đang tính kêu ba em làm đơn cớ mất sổ, thì làm sổ lại cũng không bao nhiêu tiền, chưa không muốn đưa tiền như vậy.

Em muốn nhờ luật sư tư vấn: Nếu ba em làm lại sổ đỏ thì có được không và tốn nhiều tiền không? và chú em có thể chuyển sổ đỏ cho xã hội đen được không, khi mà sổ đỏ do ba em đứng tên. Nhờ luật sư giúp em.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia của chúng tôi, trường hợp của bạn được tư vấn như sau:

Thứ nhất: Việc anh trai cầm cố sỏ đỏ mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu là giao dịch dân sự vô hiệu.

Theo quy định tại Điều 128 BLDS 2005 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội:

Giao dịch dân sự có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu…”

Giao dịch dân sự vô hiệu sẽ làm phát sinh hậu quả pháp lý,theo quy định tại điều 137 của BLDS 2005 :

1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.”

Mặt khác Theo quy định của pháp luật về đất đai cũng như BLDS không có quy định nào cho người sử dụng đất có quyền “Cầm cố quyền sử dụng đất”. Do đó không thể mang GCNQSDĐ để thực hiện hợp đồng cầm cố được. Do đó nếu có tranh chấp từ hợp đồng cầm cố này thì pháp luật không bảo vệ bên nhận cầm cố. Trong trường hợp này sẽ giải quyết theo giao dịch dân sự vô hiệu, tức là các bên trả lại cho nhau những gì đã nhận. Người chú có trách nhiệm trả lại sổ đỏ cho gia đình bạn, và anh trai bạn sẽ trả lại khoản tiền đã nhận từ chú bạn. 

Nếu các bên không tự nguyện giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu là trả lại cho nhau những gì đã nhận thì gia đình bạn có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu. Từ đó buộc các bên phải thực hiện nghĩa vụ này.

Về việc người chú nói sẽ đem sổ đỏ của gia đình bạn đi cầm cố cho một đối tượng khác thì chú bạn không có quyền thực hiện giao dịch này. Và nếu giao dịch này được thực hiện trên thực tế thì cũng sẽ không có giá trị pháp lý vì vi phạm điều cấm của pháp luật và các quy định khác về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự.

Thứ hai: Vấn đề cấp lại giấy chứng nhận quyền sự dụng đất bị mất tại Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP  quy định chỉ cấp lại sổ đỏ trong trường hợp bị mất. Pháp luật hiện hành không có quy định về việc cấp lại sổ đỏ khi sổ đỏ bị đem cầm cố, thế chấp. Vì vậy, gia đình bạn  không thể đăng ký mất sổ đỏ để làm lại sổ đỏ khác.

Trên đây là nội dung tư vấn về: Đòi lại sổ đỏ bị mang đi cầm cố như thế nào? Nếu chưa rõ bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169