Có bắt buộc phải rút BHXH 1 lần sau khi nghỉ việc đủ 1 năm trở lên không?
Nội dung tư vấn: Kính gửi Công ty Luật Minh Gia, xin hỗ trợ giúp tôi thông tin về Bảo hiểm xã hội như sau: Tôi công tác tại một đơn vị sự nghiệp và đã đóng bảo hiểm xã hội được 03 năm 02 tháng. Vì lý do riêng nên tôi đã nghỉ tại cơ quan và đang ở nước ngoài. Nay tôi muốn rút bảo hiểm xã hội, định ủy quyền cho người Chị ruột tại Việt Nam, nhưng có vấn đề rất thắc mắc:
1, Tôi nhận sổ BHXH vào tháng 8/2017 từ Cơ quan cũ của tôi. Đến hiện tại đã tròn một năm. Nếu tôi không tiến hành rút tiền BHXH thì khoảng 1 năm, 2 năm nữa tôi có thể rút được không? Đến khi nào thì Giá trị sổ BHXH còn hiệu lực.
2, Tôi có quyết định xin nghỉ việc tại cơ quan cũ (Ngạch chuyên viên, hệ số lượng: 2,34). Nếu sau 02 năm, tức đến cuối năm 2019 tôi về Việt Nam, tôi xin tiếp tục công tác tại một cơ quan nhà nước thì BHXH tôi đã đóng (3 năm 02 tháng) có ảnh hưởng đến quá trình xếp lương, chuyển ngạch hay bố trí công việc của tôi không? Nếu bây giờ tôi rút tiền BHXH đó thì có ảnh hưởng gì cho không?
3, Nếu tôi không rút thì sau này khi làm cho tư nhân hay nhà nước có được cộng dồn vào thời gian đã đóng là 03 năm 02 tháng không? Xin nói rõ là tôi có ít nhất 02 năm ở nước ngoài nên không có tham gia BHXH.
Mong quý công ty hỗ trợ giải đáp giúp tôi được rõ. Xin chân thành cảm ơn.
Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Thứ nhất, vấn đề rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13:
“1. Người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.
Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.”
Vậy, theo quy định của pháp luật, sau một năm bạn nghỉ việc và không tiếp tục đóng BHXH tự nguyện thì bạn có quyền yêu cầu rút BHXH một lần. Do đó, điều kiện nghỉ việc đủ một năm trở lên chỉ là điều kiện đủ để bạn có thể rút BHXH một lần. Và pháp luật cũng không có quy định cụ thể về thời hạn rút bảo hiểm xã hội một lần sau khi đủ điều kiện. Như vậy, nếu bạn đã đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, bạn có quyền lựa chọn rút BHXH một lần bất kể thời điểm nào căn cứ vào nhu cầu thực tế của bạn.
Thứ hai, vấn đề liên quan đến quá trình xếp lương, bố trí công việc:
Trường hợp bạn trở về nước và được tuyển dụng và cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thì có thể được xếp lương phù hợp với ngạch, chức danh mà bạn được tuyển dụng. Và thời gian bạn đã công tác trước đây có thể được xem xét miễn chế độ tập sự và tình vào thời gian nâng lương lần sau nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 10 Thông tư 15/2012/TT-BNV:
“Điều 10. Trường hợp được miễn thực hiện chế độ tập sự
1. Người trúng tuyển viên chức được miễn thực hiện chế độ tập sự khi có đủ các điều kiện sau:
a) Đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong ngành, lĩnh vực cần tuyển từ đủ 12 tháng trở lên;
b) Trong thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này đã làm những công việc chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng.
2. Người được tuyển dụng đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, nếu không có đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này thì phải thực hiện chế độ tập sự.
3. Thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người được tuyển dụng đã làm những công việc chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng (nếu có) tính vào thời gian xét nâng lương lần sau khi bổ nhiệm và xếp lương vào chức danh nghề nghiệp.”
Thứ ba, nếu bạn không rút BHXH một lần và tham gia quan hệ lao động theo hợp đồng lao động hoặc được tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội của bạn vẫn được cộng nối vào thời gian bạn đã tham gia BHXH trước đây theo quy định tại Khoản 5 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014:
“5. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.”
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất