Chứng minh công sức đóng góp vào khối tài sản chung của vợ chồng
Câu hỏi tư vấn: Thưa luật sư, cho tôi hỏi quy định về chứng minh công sức đóng góp lập tài sản chung vợ chồng như sau: Tôi muốn đơn phương xin ly hôn chồng tôi nhưng chúng tôi không thỏa thuận được trong việc phân chia tài sản. Con cái chúng tôi đã lớn và có công việc ổn định. Tài sản chung là một ngôi nhà có giá trị khoảng 2 tỷ. Trong đó tôi có đóng góp công sức nhiều hơn.Tôi xin hỏi tôi đơn phương xin ly hôn thì vấn đề phân chia tài sản sẽ như thế nào? Làm thế nào để tôi chứng minh được mình góp công sức nhiều hơn để đươc chia phần tài sản xứng đáng. Nếu tòa đứng ra phân chia tài sản thì sẽ phải trả bao nhiêu phần trăm giá trị tài sản. Tòa án sẽ định giá tài sản của chúng tôi thế nào? Nếu bên chồng tôi nhất định không chịu ly hôn và không chịu thỏa thuận chia tài sản thì sẽ giải quyết thế nào?
Thứ nhất, về quyền đơn phương ly hôn:
Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn:
“1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.”
Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên:
“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”
Như vậy việc ly hôn có thể theo ý chí của cả vợ và chồng hoặc do ý chí của một bên vợ hoặc chồng, do vậy bạn có thể đơn phương ly hôn mà không cần có sự đồng ý của chồng bạn nếu có căn cứ về việc chồng bạn vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của vợ chồng, có hành vi bạo lực gia đình. Tài sản không tự thỏa thuận phân chia được thì sẽ do Tòa án giải quyết.
Thứ hai, đối với vấn đề phân chia tài sản:
Việc phân chia tài sản khi ly hôn dù thuận tình ly hôn hay đơn phương ly hôn đều tuân theo nguyên tắc chung quy định tại Điều 59 Luật hôn nhân gia đình 2014:
“1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.
2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.”
Hai vợ chồng bạn không thỏa thuận được việc phân chia tài sản thì yêu cầuTòa án giải quyết. Tài sản chung của hai bạn là ngôi nhà trị giá khoảng 2 tỷ thuộc sở hữu chung của hai bạn sẽ được chia theo hướng: Chia đôi có xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Nếu không thể chia để sử dụng thì một bên tiếp tục sử dụng và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tương ứng mà họ được hưởng. Nếu bạn có đóng góp nhiều hơn vào việc xây dựng căn nhà thì bạn cần có căn cứ chứng minh như việc dùng tài sản riêng của mình để đóng góp, công sức đóng góp vào việc xây dựng, mua sắm các trang thiết bị trong nhà…
Thứ ba, về xác định giá trị tài sản:
Điều 8 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 Giá tài sản làm cơ sở thu tạm ứng án phí
“1. Giá tài sản làm cơ sở thu tạm ứng án phí được ưu tiên áp dụng theo thứ tự từ điểm a đến điểm đ khoản này như sau:
a) Giá do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;
b) Giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp;
c) Giá trên tài liệu gửi kèm hồ sơ giải quyết vụ án;
d) Giá thị trường tại thời điểm và địa điểm xác định giá tài sản;
đ) Trường hợp không thể căn cứ vào các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này để xác định giá trị tài sản tranh chấp thì Tòa án gửi văn bản đề nghị cơ quan tài chính cùng cấp có ý kiến về việc xác định giá tài sản. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan tài chính phải có ý kiến trả lời về việc xác định giá trị tài sản. Hết thời hạn này mà Tòa án không nhận được văn bản trả lời của cơ quan tài chính cùng cấp thì Tòa án ấn định mức tạm ứng án phí.
2. Trường hợp một trong các cơ sở quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này đã xác định được giá trị tài sản để tính tiền tạm ứng án phí thì không xem xét đến các cơ sở tiếp theo.”
Như vậy tòa án sẽ tùy từng trường hợp cụ thể để xác định giá trị tài sản, căn cứ theo Điểm a, b, c, d Khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14. Nếu không thể căn cứ vào 4 trường hợp nói trên thì Tòa sẽ lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn về việc xác định giá trị tài sản.
Thứ tư, án phí phải nộp khi yêu cầu tòa giải quyết tranh chấp tài sản
Căn cứ vào giá trị tài sản tranh chấp được xác định, bạn đối chiếu với bảng dưới đây (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016) để xác định % giá trị tài sản phải nộp (án phí):
“3 Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình có giá ngạch
a, Từ 6.000.000 đồng trở xuống: 300.000 đồng
b, Từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng: 5% giá trị tài sản có tranh chấp
c, Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng: 20.000. 000 đồng + 4% của phầngiá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng
d, Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng: 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800.000.000 đồng
đ, Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng: 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng
e, Từ trên 4.000.000.000 đồng: 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng.”
- Chứng minh công sức đóng góp trong hôn nhân thế nào?
Thưa văn phòng luật sư, tư vấn giúp tôi về chia tài sản, công sức đóng góp của vợ chồng và quyền nuôi con khi ly hôn như sau: Tôi lấy vợ được 3 năm và có 1 cháu gái 2 tuổi, tôi làm lương 6tr và có tiền thu nhập nhà trọ (8tr/tháng) gia đình cha mẹ ruột để, nhà trọ của Ba Mẹ, vợ tôi làm Ngân hàng lương 10tr/tháng.
Vợ chồng tôi nay ly hôn do vợ tôi có nhân tình, nhưng tôi không có bằng chứng nên chỉ lấy lí do là không hợp nhau để có thể sống chung. Nay tài sản gia đình tôi chỉ có chiếc xe trị giá 604tr và còn nợ ngân hàng trả góp là 290 tr. thủ tục do vợ đứng tên làm đơn vay và trả, nhưng chiếc xe là do tôi đứng tên và trả nợ thông qua tài khoản của vợ tôi.
Vậy nếu bây giờ nếu ly hôn thì chia như thế nào? nếu muốn lấy chiếc xe thì như thế nào? và không lấy chiếc xe thì chia như thế nào? do thanh toán trả nợ qua vợ tôi nên tôi có được tính vào công sức đóng góp không? xe ô tô do vợ tôi đi làm mỗi ngày vì phải đưa đón con nhỏ và công việc, Nay nếu tôi lấy xe đi làm và đưa đón con thì có được gọi là " Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập" không?
Làm thế nào để chứng minh tôi có công sức đóng góp khi tiền nhà tôi đưa cho vợ đóng? Nếu con đủ 3 tuổi thì tôi có thể giành lại quyền nuôi con không? nhà thì ba mẹ có và sẽ cho tôi, tiền thu nhập phòng trọ tôi thu, tôi vẫn làm việc bình thường ở công ty, thu nhập ổn định, còn vợ tôi không có nhà riêng,ba mẹ ruột mất, ở nhờ nhà anh chị hoặc thuê trọ, nếu sau này vợ tôi lập gia đình có gia đình có nhà thì khả năng giành lại quyền nuôi con tôi được khoảng bao nhiêu phần trăm? Tôi cần sự giúp đõ và tư vấn tốt nhất để tôi có điều kiền để nuôi cháu. Mong Công ty tư vấn giúp tôi trả lời tôi sớm nhất để tôi tiến hành thủ tục ly hôn nhanh nhất. Xin chân thành cảm ơn quý Công ty.
Tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Thứ nhất, về xác định tài sản chung vợ chồng.
Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Điều 37. Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng
Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:
1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
Như vậy, kết hợp quy định của pháp luật và thông tin bạn đưa ra thì tài sản gồm chiếc xe trị giá 604 triệu và khoản nợ ngân hàng trả góp là 290 triệu được hình thành trong quá trình hôn nhân, hai người cùng tham gia góp mua và trả nợ nên được xác định là nguồn tài sản và nợ chung của hai vợ chồng.
Do đó, trong trường hợp ly hôn thì hai bên trước hết có thể thỏa thuận với nhau về việc chia tài sản và trách nhiệm trả nợ. Trường hợp, bạn muốn lấy chiếc xe và vợ bạn đồng ý thì bạn sẽ thanh toán một khoản tiền tương ứng với một nửa giá trị của chiếc xe cho vợ. Trường hợp, bạn không muốn lấy xe và hai bên không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Cụ thể:
Điều 38. Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân
1. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.
3. Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này.
Thứ hai, Liên quan tới quyền trực tiếp nuôi dưỡng.
Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Như vậy, con bạn năm nay mới được 2 tuổi về nguyên tắc quyền trực tiếp nuôi dưỡng sẽ do vợ bạn thực hiện. Sau khi con trên 3 tuổi, nếu bạn có nguyện vọng nuôi thì sẽ đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng gửi Tòa án để giải quyết.
Trên đây là nội dung tư vấn về: Chứng minh công sức đóng góp vào khối tài sản chung của vợ chồng. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn trực tuyến để được giải đáp.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất