Chủ Doanh nghiệp chiếm đoạt tiền đóng BHXH của người Lao động.
Nội dung tư vấn: Kính gửi: Đoàn Luật Sư Minh Gia. Tôi xin trình bày với Quý Văn Phòng Luật Sư một việc như sau:
Tôi vào làm việc ở Công ty từ ngày 01/5/2004 đến hết 31/10/2016. Tổng thời gian làm việc ở là 12 năm 06 tháng, nhưng Công ty chỉ đóng BHXH cho tôi từ tháng 01/2005 đến hết tháng 12/2010.
Vậy từ tháng 01 năm 2011 đến hết tháng 10/2016 là 70 tháng, và từ tháng 5/2004 đến hết tháng 12/2004 là 08 tháng, tổng số là 78 tháng tôi làm việc tại Công ty mà Công ty không đóng BHXH cho tôi. Tuy vậy, tháng nào Công ty cũng trích, thu phần tiền lương đồng chi trả BHXH của tôi. Công ty đã lợi dụng lòng tin của người Lao động, lợi dụng kẽ hở về quản lý tiền quỹ BHXH và đã chiếm đoạt số tiền đóng BHXH của người Lao động. Số tiền ông chủ Công ty đã chiếm đoạt của người Lao động chúng tôi là tương đối nhiều, tôi nghĩ ông ta có thể còn lợi dụng kẽ hở của chính sách về Thuế, còn có thể gian lận về tiền Thuế đối với Nhà nước, và những việc khác nữa,...
Vậy tôi rất mong Quý Văn Phòng Luật Minh Gia cho tôi biết Người lao động chúng tôi có thể gửi đơn đến Cơ quan nào và cấp Chính quyền nào để đòi lại được quyền lợi chính đáng của mình?
Ông chủ của Công ty đó có vi phạm pháp luật hay không?
Trường hợp ông chủ của Công ty này đã chiếm đoạt tiền đóng BHXH của hàng trăm người như tôi, thì ông chủ Công ty bị Pháp Luật xử lý như thế nào?
Chúng tôi có thể lấy lại được quyền lợi, chế độ BHXH mà ông Chủ Công ty đang chiếm đoạt đó không? Tôi xin trân trọng cám ơn!
Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Căn cứ thông tin bạn cung cấp, giai đoạn từ tháng 5/2004 đến hết tháng 12/2004 công ty không đóng BHXH cho bạn. Do đó, căn cứ theo Điều 3 Điều lệ Bảo hiểm xã hội năm 1995 quy định:
“Điều 3.- Các đối tượng sau đây phải áp dụng các chế độ bảo hiểm xã hội quy định tại Điều lệ này:
Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước;
Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh có sử dụng từ 10 lao động trở lên;
...”
Như vậy, đối chiếu với trường hợp của bạn không thể hiện rõ bạn làm việc trong loại hình doanh nghiệp nào. Do đó, nếu đây là doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh sử dụng dưới 10 lao động thì doanh nghiệp đó không phải đóng BHXH.
Trong giai đoạn từ tháng 1 năm 2011 đến hết tháng 10 năm 2016 nếu bạn vẫn tiếp tục làm việc ở công ty thì bạn thuộc đối tượng phải đóng BHXH bắt buộc theo quy định tại Điều 2 Luật BHXH 2006 và Điều 2 Luật BHXH 2014.
Trường hợp công ty không đóng BHXH cho bạn hoặc đóng nhưng không đúng mức theo quy định của pháp luật thì công ty có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP:
“Điều 26. Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp
…
2. Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;
b) Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định;
c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
3. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;
b) Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm đối với vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.”
Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm thì công ty có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:
“Điều 216. Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động
1. Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
b) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.
…
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
...”
Theo đó, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn có thể khiếu nại hành vi sai phạm của công ty đến Chánh Thanh tra lao động thuộc Sở Lao động – Thương binh Xã nội nơi công ty có trụ sở để xem xét xử phạt vi phạm hành chính hoặc trình báo đến cơ quan điều tra công an quận/huyện nơi công ty có trụ sở để điều tra, xác định hành vi phạm tội của công ty.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất