Chồng vay nợ, vợ không đồng ý, khi ly hôn vợ có phải trả nợ không?
Nội dung đề nghị tư vấn: Thưa luật sư cho chau hỏi về vấn đề vay nợ nhưng một bên không đồng ý giải quyết khi ly hôn thế nào? Cụ thể: Bố mẹ cháu đã không sống chung với nhau vì lí do bố cháu ngoại tình va trước đó gia đình chau đã vay ngân hàng một khoản nợ 200 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình. Khi đó bố cháu vay vốn ngân hàng mẹ cháu đã không đồng ý và cũng không ký tên vào giấy vay vốn ngân hàng, gia đình cháu đã về sống chung cùng ông bà nội và mượn sổ đỏ của ông bà để thế chấp và ông bà cũng như bố chaú đã ký còn mẹ không đồng ý nên không ký và trong quá trình bố cháu đi làm ăn thì đã ngoại tinh nên mẹ cháu không sống chung nữa.
Vậy nên từ khi đó đến giờ bố cháu đã sống chung với người đó được 3 năm và bố cháu đều tự trả nợ ngân hàng, từ lúc mẹ cháu bỏ đi thí cháu đã đi cùng với mẹ,từ khi bố đi theo ngươi đo đến thời điểm này thì cháu vẫn không hề nhận được trợ cấp gưi về nuôi cháu, mẹ cháu phải tự đi làm kiếm tiền nuôi cháu ăn học từ khi cháu mới học lớp 4 đến giờ.
Vậy luật sư cho cháu hỏi khi ly hôn thì mẹ cháu có phải trả một nữa khoản nợ ngân hàng đó hay không và quyền nuôi con có thuộc về mẹ cháu không.
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:
Thứ nhất, về khoản nợ ngân hàng mà bố bạn vay để phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế gia đình.
Bởi đây là giao dịch được thực hiện trong thời kỳ hôn nhân của bố mẹ bạn, và mục đích của vay nợ là để thực hiện mục đích phát triển kinh tế gia đình, mẹ bạn biết việc vay nợ của bố bạn, tuy không đồng ý, nhưng trên thực tế, việc sử dụng khoản vay nợ này vào mục đích chung cho gia đình bạn, do đó, vẫn có thể sẽ phát sinh nghĩa vụ trả nợ cho mẹ bạn trong trường hợp này.
Nếu mẹ bạn chứng minh được việc vay nợ đó mà bố bạn thực hiện vào mục đích riêng không vì mục đích gia đình, không đem lại lợi ích cho gia đình thì mẹ bạn mới không có trách nhiệm trả nợ trong trường hợp này.
Thứ hai, về việc nuôi con.
Bạn năm nay đã 15 tuổi, việc nuôi con sau thời kỳ ly hôn trước hết được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng.
Theo Luật Hôn nhân gia đình 2014:
Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Theo đó, việc nuôi con sẽ căn cứ vào tình hình kinh kế, điều kiện của mỗi bên, bạn đã 15 tuổi rồi thì Tòa Án sẽ căn cứ vào nguyện vọng của bạn.
Và người không trực tiếp nuôi con sẽ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn.
Trân trọng!
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất