Chồng có được quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi ly hôn?
Mục lục bài viết
1. Chồng có được quyền nuôi con dưới 3 tuổi khi ly hôn không?
Câu hỏi: Kính thưa quý luật sư. tôi là P xin được quý luật sư tư vấn cho việc giành quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi sau ly hôn vì cả 2 đều muốn nuôi con:
- Về phần của vợ tôi: con gái chúng tôi được 15 tháng tuổi. khi cháu được 9 tháng đã phải cai sữa vì mẹ cháu phải nhập viện. 14 tháng thì mẹ cháu bỏ nhà đi với lý do sống với tôi không hợp nên không thể tiếp tục sống chung. Vợ tôi là người trực tiếp đưa đơn ly hôn đơn phương. Hiện tại cô ý đang có bầu 6 tháng và đang mắc bệnh basedow (bệnh mãn tính không thể chữa khỏi)
Sau ly hôn cô ý về ở với bố mẹ đẻ, nơi đó thuộc khu vực vùng sâu vùng xa dân tộc thiểu số (Dân tộc Mường). Quanh bán kính 5km không có trường giáo dục, chợ, bệnh viện, hiệu thuốc, nhà ở 1 quả đồi đi lại khó khăn. Cô ý tốt nghiệp cấp 3, làm công nhân và ở trọ hiện nay không có công việc ổn định khi sinh con là hết hợp đồng lao động thu nhập 3.6 triệu/tháng.
- Về phần tôi: Vì thương con quá nhỏ và 1 đứa chưa được sinh ra nên hết lòng khuyên bảo và giữ cô ý sau nhiều lần cô ý đòi bỏ nhà đi. Gia đình vợ thì nhiều lần liên tục trách mắng tôi mà không nghe lời giải thích nào. Tôi tốt nghiệp đại học, dân tộc kinh. Khu vực gia đình tôi sống là 1 nơi phát triển sầm uất. Phạm vi 300m có Trường giáo dục, chợ ... hiệu thuốc, bệnh viện cách nhà 4km, ký hợp đồng dài hạn với 1 doanh nghiệp đài loan.
Sau ly hôn tôi được chia 1 phần tài sản của bố mẹ tôi và có cả nhà. Vì tương lai của con nên tôi muốn được nuôi cháu hiện nay 15 tháng tuổi nhưng cô ý không đồng ý muốn mang con gái tôi về quê với bố mẹ vợ và sinh con trong thời gian tới sau ly hôn. Kính mong Luật sư tư vấn giúp để tôi có thể giành được quyền nuôi con. Tôi xin chân thành cảm ơn.
Trả lời: Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với trường hợp anh đang vướng mắc Luật Minh Gia tư vấn như sau:
- Quy định về quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi
Theo thông tin anh cung cấp hiện tại vợ chồng anh đang thực hiện thủ tục ly hôn và có tranh chấp về quyền nuôi con khi ly hôn. Tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:
"1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con."
Căn cứ theo quy định nêu trên, khi ly hôn nếu hai vợ chồng không tự thỏa thuận được về quyền nuôi con thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.
Theo quy định pháp luật, khi ly hôn, nếu con chưa đủ 36 tháng tuổi thì sẽ được giao cho người mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Đối chiếu với thông tin anh cung cấp, mặc dù vợ anh có các điều kiện về mặt kinh tế, nơi sống... thấp hơn anh, bản thân vợ anh đang mắc bệnh nhưng nếu vợ anh chứng minh được bản thân vẫn có khả năng (về sức khỏe, vật chất, tinh thần) để trực tiếp nuôi con sau ly hôn thì theo quy định nêu trên, người vợ vẫn được quyền trực tiếp nuôi con, khi anh không trực tiếp nuôi con thì sẽ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
- Yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi con đủ 36 tháng tuổi
Trong trường hợp bản án của Tòa ghi nhận vợ anh được quyền nuôi con sau ly hôn, nếu anh vẫn muốn dành quyền nuôi con thì anh có thể chờ đến khi cháu đủ 36 tháng tuổi trở lên để thực hiện quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
"1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.
5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ."
Như vậy, nếu khi con anh đủ 36 tuổi trở lên, anh chứng minh được người mẹ không còn đủ điều kiện trực tiếp nuôi con (không có công việc ổn định, không có thu nhập, nơi sinh sống không có điều kiện để học tập, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe...) hoặc hai bên thỏa thuận được về về thay đổi người trực tiếp nuôi con thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn.
2. Quyền nuôi con dưới 3 tuổi của người cha quy định thế nào?
Câu hỏi: Vợ chồng em trai tôi mới kết hôn hơn 1 năm, 2 đứa kết hôn được 18 ngày thì sinh em bé. Em trai tôi làm hợp đồng mảng thị trường lương tháng 10tr. Em dâu làm điều dưỡng lương tháng gần 4tr. Từ khi kết hôn đc 18 ngày rồi sinh cho đến lúc đầy tháng cháu thì em dâu tôi ở cùng gia đình chồng. Tức là sống chung với nhà chồng chưa đc 2 tháng thì em dâu tôi xin được lên nhà ngoại ở.
Vì nghĩ ai sinh con đầu cũng mong muốn về nhà ngoại nên nhà chồng đồng ý. Nhưng sau khi lên nhà ngoại thì em dâu không muốn về nữa và luôn viện cớ để ở trên đó luôn. Thỉnh thoảng, cứ cách 2 hoặc 3 tuần em dâu mới bồng con về nội được thứ 7 hoặc chủ nhật. Tuy nhiên gần đây 2 vợ chồng em trai tôi có chuyện xích mích nên em trai tôi lên ngoại bồng cháu về. Hôm lên bồng cháu về em tôi bị cả gia đình nhà vợ đánh, em dâu còn chỉ vào mặt ba chồng chửi rủa. (Điều này có tài xế lái taxi chứng kiến). Kể từ khi bồng về đến nay tròn 1 tháng mà em dâu chưa hề gọi điện hay nhắn tin hỏi han thăm con. Mới đây em dâu tôi đệ đơn li hôn và giành quyền nuôi con. Trong đơn em dâu trình bày hoàn toàn sai sự thật là bị chồng đánh, và nhà chồng cay nghiệt, độc ác.
Với tình hình như vậy, tôi mong luật sư tư vấn liệu gia đình tôi có giành được quyền nuôi cháu hay không? Thêm 1 vấn đề nữa là bố mẹ em dâu đã li dị từ lâu, em dâu tôi ở với bà nội từ nhỏ. Nếu em dâu cứ nhất quyết đòi nuôi cháu thì gia đình tôi phải làm thế nào? Vì tôi biết là cháu dưới 36 tháng thì mẹ có quyền nuôi nhiều hơn.Mong luật sư giúp đỡ. Tôi xin chân thành cảm ơn
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
- Về vấn đề quyền nuôi con khi ly hôn
Theo Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:
"1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con."
Như vậy, con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện dể trực tiếp trông nom, chăm sóc,.. hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác. Theo thông tin bạn cung cấp thì con của em trai bạn dưới 36 tháng tuổi, nên em dâu bạn sẽ được quyền ưu tiên trong việc trực tiếp nuôi dưỡng con.
- Chứng minh điều kiện để giành quyền nuôi con khi ly hôn
Trường hợp em trai bạn muốn trực tiếp nuôi con thì phải thỏa thuận với vợ hoặc chứng minh được người vợ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục con. Pháp luật không có quy định cụ thể không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con là như thế nào, tuy nhiên em trai bạn có thể căn cứ vào những yếu tố sau:
- Điều kiện về vật chất: thu nhập, tài sản, chỗ ở,... của người vợ không đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, giáo duc con
- Điều kiện về tinh thần: thời gian chăm sóc, giao dục, dạy dỗ con, thời gian vui chơi với con, trình độ học vấn, nhân cách đạo đức... của người mẹ ảnh hưởng tới sự phát triển của con (ví dụ thường xuyên quát mắng, có hành vi bạo lực, lời lẽ xúc phạm con,...)
- Về thay đổi người trực tiếp nuôi con
Trường hợp, Tòa án giao con cho em dâu bạn trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng thì theo quy định tại Điều 84, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, em trai bạn có quyền thay đổi người trực tiếp nuôi con khi con đủ 36 tháng tuổi. Cụ thể:
"1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.
5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ."
Theo đó, khi em trai bạn có yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con Toà án sẽ xem xét lại điều kiện nuôi con của người vợ, nếu không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì toà án sẽ quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề anh đang vướng mắc. Nếu anh còn vướng mắc hoặc muốn tư vấn thêm về vấn đề này thì có thể liên hệ lại để được bộ phận tư vấn của chúng tôi kịp thời hỗ trợ.
Trân trọng!
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất