Chồng bị tạm giam thì tiền chu cấp cho con tính như thế nào?
Quê chồng em ở B còn em ở V. Chồng em đã đi khoảng 4 tháng và em cũng không rõ đang ở đâu . Vậy em muốn làm thủ tục đơn phương ly di em cần làm gì và mang theo những giấy tờ nào chi phí làm thủ tục là bao nhiêu ạ? Và nếu chồng em đã bị bắt tạm giam thì thủ tuc của em có gặp vấn đề gì không? Còn vấn đề cấp tiền cho bé. Nếu chồng e bị tạm giam thì tiền chu cấp đó sẽ tính như thế nào hoặc chồng không đủ điều kiện cấp dưỡng thì sao ạ? Em hỏi hơi nhiều nhưng vì em không biết hỏi ai và em cũng rất sợ. Xin luật sư dành thời gian trả lời giùm em và em cảm ơn rất nhiều ạ.
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:
Thứ nhất, về vấn đề đơn phương ly hôn
Căn cứ Điều 51, Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:
Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên
1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ xủa vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
Trường hợp của bạn, chồng bạn nghiện ma túy đá và có hành vi trộm cắp. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng đến quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được. Khi bạn đơn phương ly hôn thì cần có chứng cứ để chứng minh đời sống hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng... để yêu cầu Tòa giải quyết cho ly hôn.
Hồ sơ yêu cầu ly hôn gồm có:
- Đơn xin ly hôn;
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
- Sổ hộ khẩu của hai vợ chồng (bản sao chứng thực);
- Giấy khai sinh của con (bản sao chứng thực);
- Chứng minh thư nhân dân của vợ, chồng (bản sao chứng thực);
- Giấy tờ chứng minh tài sản;
Nơi nộp hồ sơ: Tòa án nhân dân cấp huyện nơi thường trú của hai vợ chồng hoặc nơi chồng bạn cư trú, làm việc.
Thời hạn giải quyết: Từ 4 đến 6 tháng kể từ ngày Tòa án có thẩm quyền thụ lý vụ án ly hôn.
Trường hợp chồng bạn bỏ đi mà Tòa án có đơn triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà chồng bạn vẫn vắng mặt thì Tòa án vẫn giải quyết cho ly hôn khi có đầy đủ chứng cứ.
Mức án phí ly hôn cấp sơ thẩm khi không có tranh chấp tài sản là 200.000 đồng. trường hợp có tranh chấp về tài sản thì phải chịu mức án phí sơ thẩm tương đương quy định trong Pháp lệnh 10/2009/UBTVQH12.
Thứ hai, vấn đề trợ cấp cho con sau khi ly hôn.
Theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014, sau khi ly hôn, con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao cho mẹ trực tiếp nuôi trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cho con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích.
Trường hợp của bạn, con bạn mới 6 tháng tuổi sẽ do bạn trực tiếp nuôi dưỡng.
Căn cứ Điều 82, Điều 110, Điều 116 Luật hôn nhân và gia đình 2014:
Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom của người đó.
Điều 110. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con
Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.
Điều 116. Mức cấp dưỡng
1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Sau khi ly hôn, chồng bạn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Nếu chồng bạn không có đủ điều kiện cấp dưỡng thì bạn và chồng bạn có thể thỏa thuận về mức cấp dưỡng sao cho phù hợp nhất. Nếu như bạn đủ điều kiện nuôi con, và tự nguyện không yêu cầu chồng bạn cấp dưỡng do không đủ điều kiện thì Tòa án sẽ không buộc chồng bạn phải cấp dưỡng. Do đó chồng bạn không cần phải cấp dưỡng nữa.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất