Chồng bạo hành vợ muốn ly hôn phải làm thế nào?
Anh ta đánh em khi em đang mang bầu cả 2 đứa con, dùng dao cứa cổ và đòi giết, đòi chém em. Với tình trạng như vậy nên em đòi ly hôn nhưng anh ta dọa sẽ giết em. Vậy em phải làm sao? Em muốn trốn đi nhưng lại lo anh ta xuống nhà em để hành hung bố mẹ em. Về tài sản chung thì vì em sống chung nhà bố mẹ chồng nhưng làm được bao nhiêu anh ta tự sửa nhà cửa. Còn nợ thì em có mượn dùm anh ta nhưng đòi thì không trả. Xin luật sư tư vấn giúp em.
LUẬT MINH GIA TƯ VẤN CHO BẠN NHƯ SAU:
1. Về hành vi bạo lực gia đình:
Theo thông tin bạn cung cấp thì chồng bạn đã có rất nhiều hành vi đánh đập và đe dọa tính mạng bạn và những người thân của bạn.
Điều 2 Luật phòng chống bạo lực năm 2007 quy định về các hành vi bạo lực gia đình:
“1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;
b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
đ) Cưỡng ép quan hệ tình dục;
e) Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;….”
Theo bạn trình bày thì chồng bạn ngoài việc chửi bới còn thường xuyên đánh đập chị. Đây là những hành vi bạo lực gia đình, những hành vi của chồng bạn là những hành vi bị cấm theo Điều 8 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Tư vấn quy định về hành vi bạo lực gia đình
Căn cứ điều 20 và điều 21 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định Uỷ ban Nhân dân và Toà án Nhân dân đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự giữa nạn nhân bạo lực gia đình và người có hành vi bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc khi có các căn cứ
“ Điều 20. Cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong thời hạn không quá 3 ngày khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải có sự đồng ý của nạn nhân bạo lực gia đình;
b) Hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe doạ gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe doạ tính mạng của nạn nhân bạo lực gia đình;
c) Người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân bạo lực gia đình có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc.”
“Điều 21. Cấm tiếp xúc theo quyết định của Toà án
1. Toà án đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự giữa nạn nhân bạo lực gia đình và người có hành vi bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong thời hạn không quá 4 tháng khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải có sự đồng ý của nạn nhân bạo lực gia đình;
b) Hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe doạ gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe doạ tính mạng của nạn nhân bạo lực gia đình;
c) Người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân bạo lực gia đình có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc.”
Căn cứ khoản 1 điều 42 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007:
“Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Căn cứ các quy định nêu trên, nếu tình trạng bạo lực ngày càng trầm trọng ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ của chị thì chị có thể yêu cầu Uỷ ban Nhân dân hoặc Toà án nơi chị cư trú áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc đối với chồng của chị. Hành vi dùng bạo lực gia đình của chồng chị tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thông báo đến cơ quan công an nơi gần nhất hoặc ủy ban cấp xã để có biện pháp ngăn chặn, nhắc nhở xử lý kịp thời tránh hậu quả xấu có thể xảy ra.
2. Về vấn đề ly hôn
Hiện nay nếu chồng bạn không đồng ý ly hôn thì bạn có thể đơn phương ly hôn, bạn có thể tự viết đơn xin ly hôn và nộp ra tòa án nhân dân quận/huyện nơi chồng bạn cư trú, kèm theo các giấy tờ sau:
- Chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu của vợ và chồng (bản sao chứng thực);
- Đăng ký kết hôn (bản chính);
- Giấy khai sinh của các con (bản sao chứng thực);
- Giấy tờ về tài sản nếu có yêu cầu chia (bản sao chứng thực).
3. Về quyền nuôi con:
Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Như vậy, đối với cháu gái 1 tuổi quyền nuôi con đương nhiên thuộc về bạn, còn cháu trai trên 3 tuổi thì Toà án sẽ quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi con căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, đặc biệt là các điều kiện cho sự phát triển về thể chất, bảo đảm việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần. Tòa án sẽ căn cứ vào điều kiện của hai bên vợ hoặc chồng, bên nào có thể tạo điều kiện tốt cho sự phát triển của cháu thì Tòa án sẽ quyết định trao quyền nuôi con cho người đó. Trường hợp này bạn có thể căn cứ vào hành vi bạo lực gia đình của người chồng để giành quyền nuôi con.
4. Về vấn đề tài sản:
Theo quy định tại Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng (trừ tài sản được thừa kế, tặng cho riêng). Và căn cứ Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì tài sản chung sẽ được chia đôi, có xem xét hoàn cảnh mỗi bên, công sức đóng góp vào việc tạo lập, duy trì tài sản. Trường hợp của bạn nếu như ngôi nhà được hình thành, sửa chữa trong thời kỳ hôn nhân thì bạn sẽ được hưởng một phần giá trị của ngôi nhà tương ứng với công sức đóng góp của bạn. Về khoản nợ trong thời kỳ hôn nhân, nếu như bạn chứng minh được có khoản nợ đó thì người chồng sẽ phải liên đới với bạn chịu trách nhiệm trả nợ.
- Chồng có hành vi bạo lực, vợ có quyền đơn phương ly hôn không?
Câu hỏi: Chào luật sư! E có một số thắc mắc muốn nhờ luật sư giải đáp cho e về vấn đề người chồng có hành vi bạo lực gia đình thì vợ có quyền đơn phương ly hôn không, cụ thể. Mẹ e đang muốn làm đơn ly hôn. Vì ông ấy (cha e) thường nhậu về và đánh mẹ và chúng e gây thương tích chảy máu. Và mỗi lần về khiến chúng e rất khiếp sợ (nhiều lần chúng e và mẹ phải trốn hoặc đi ngủ nhờ hàng xóm để không bị ông ấy bắt được).
Chúng e với mẹ thường xảy ra những cảnh như thế làm cuộc sống rất đảo lộn, cả tinh thần và việc học của chúng e. Nhà e có 5 người: cha mẹ và 3 người con. Anh đầu thì đang kiếm việc làm, e đang học đại học, còn 1 e nữa thì đang học lớp 8. Từ trước đến giờ nhà cửa và mọi việc trong gia đình đều mẹ e lo liệu hết. Và ông ấy thì cứ đi làm và không chu cấp tiền hay lo lắng chăm sóc gì cho chúng e và những khoản chi tiêu trong gia đình, đều bỏ đó cho mẹ e lo được thế nào thì lo. Còn ông ấy đi làm chỉ lo cho ông ấy thôi. Đó là bình thường ông ấy đi làm biệt tích thì chúng e và mẹ đỡ khổ, còn không đi làm hoặc làm ở gần thì cứ thường về gây chuyện với mẹ con e. Cuộc sống của mấy mẹ con e rất khổ cực. Mẹ e định sẽ chịu đựng nhưng e không muốn thế. Nhà cha mẹ e ở là nhà đứng tên của ông bà nội, nhưng giờ ông bà e đã mất và ko để lại di chúc. Mọi giấy tờ bây giờ đều đứng tên của ông ấy, trừ giấy tờ nhà chưa sang tên. Còn đồ dùng thì đều do mẹ e sắm sửa bằng tiền mẹ trồng trọt, chăn nuôi có được. E muốn hỏi luật sư nếu làm thủ tục ly hôn có nhanh gọn không ạ? Và quyền lợi như thế nào khi chia tài sản? Vì 3 anh e chúng e từ trước đến nay đều ở với mẹ và kể cả ly hôn thì cũng thế liệu có lợi cho việc chia tài sản ko? Và nếu chia thì sẽ chia như thế nào ạ? Mong nhận được thư hồi âm sớm của luật sư! (vì những người thân và e đang rất cần nó lúc này).
Trả lời: Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:
Thứ nhất, về vấn đề ly hôn.
Theo điều 51 luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Bố mẹ bạn có thể ly hôn theo 2 phương thức đó là Thuận tình ly hôn hoặc Ly hôn theo yêu cầu của một bên:
Điều 55 Luật hôn nhân và gia đình 2014 Thuận tình ly hôn được quy định như sau:
"Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn." Nếu bố mẹ bạn có thể thỏa thuận về việc thuận tình ly hôn thì việc giải quyết sẽ nhanh ngọn hơn, thời gian giải quyết khoảng 4 tháng.
Trong trường hợp bố bạn không đồng ý thuận tình ly hôn thì mẹ bạn vẫn có quyền đơn phương ly hôn theo Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
"1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.". Nếu ly hôn theo yêu cầu của một bên thì thời gian giải quyết trong khoảng 6 tháng.
Thứ hai, vấn đề chia tài sản chung của vợ chồng sau khi ly hôn
Theo Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định nguyên tắc chia tài sản như sau:
"1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.
2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.
Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác."
Như vậy, mặc dù tài sản đứng tên của bố bạn nhưng lại được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân của bố mẹ bạn nên về mặt nguyên tắc thì những tài sản này được coi là tài sản chung của bố mẹ bạn và khi ly hôn sẽ được chia đôi. Mẹ bạn cần chứng minh công sức đóng góp nhiều hơn trong khối tài sản này và chứng minh bố bạn là người có lỗi phần nhiều để được chia phần nhiều hơn.
Trên đây là nội dung tư vấn về: Chồng bạo hành vợ muốn ly hôn phải làm thế nào? Nếu còn vướng mắc, chưa rõ bạn liên hệ luật sư tư vấn luật hôn nhân gia đình trực tuyến để được giải đáp.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất