Trần Tuấn Hùng

Chế độ hưu trí của người lao động đã có trên 30 năm tham gia bảo hiểm xã hội

Tư vấn về thời gian được tính là thời gian tham gia bảo hiểm xã hội trước năm 1995 và điều kiện hưởng chế độ hưu trí và cách tính mức lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành

Câu hỏi tư vấn: Tôi xin hỏi thăm về việc tính sổ hưu của tôi như sau: Tôi sinh năm 1963 và vào cơ quan từ năm 1981 đến nay tôi đã được 37 năm. Thời gian tôi làm lao động trực tiếp dưới sông nước (thủy thủ, thuyền phó và thuyền trưởng). Năm 2005 tôi lên Phòng và làm nhân viên điều động đến nay. Nếu tính theo điều kiện hưu trí thì tôi đã đủ, hiện tại tôi vẫn đang làm việc tại cơ quan. Tôi muốn chốt sổ hưu để khi cần thiết tôi có thể xin nghỉ việc. Ví dụ sang năm tôi xin nghỉ thì chế độ hưu trí của tôi như thế nào ? Thành thật cám ơn.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về việc chốt sổ hưu để khi cần thiết có thể xin nghỉ việc: 

 

Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì về nguyên tắc người lao động phải tham gia BHXH nếu thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Tại Khoản 9 Điều 123 Luật BHXH 2014 có quy định về trường hợp: "9. Người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng mà đang giao kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc".

 

Như vậy, mặc dù hiện tại bạn đã có 37 năm tham gia BHXH, tuy nhiên nếu như chưa hưởng lương hưu và vẫn đang tiếp tục làm việc thì vẫn thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và chưa được chốt sổ BHXH. 

 

Khoản 6 Điều 123 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định:

 

“6. Người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 nếu đủ điều kiện hưởng nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Việc tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, quân nhân, và công an nhân dân.”

 

Bạn làm việc tại đơn vị đó trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 và nếu đơn vị này là đơn vị thuộc khu vực Nhà nước thì thời gian làm việc từ năm 1981 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 được xác định là thời gian tham gia bảo hiểm xã hội.

 

Thứ hai, về chế độ hưu trí:

 

Bạn không cung cấp thông tin về giới tính và thông tin cụ thể thời gian tham gia bảo hiểm xã hội cũng như về tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu nên chúng tôi không thể trả lời chính xác về chế độ lương hưu của bạn. Điều 56 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định:

 

“1. Từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành cho đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.

 

2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:

 

a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;

 

b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.

 

Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

 

3. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 55 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%

 

Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi….”

 

Như vậy, mức lương hưu = tỷ lệ hưởng lương hưu  x  mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề chị hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, chị vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo