Nguyễn Thu Trang

Cháu được thừa kế đất của ông bà nội khi bố đã mất không?

Vấn đề thừa kế, đặc biệt là thừa kế quyền sử dụng đất có thể dễ dàng bắt gặp trong đời sống và thường xuyên phát sinh tranh chấp. Liên quan đến việc xác định hàng thừa kế, phương thức chia thừa kế, nhiều người còn chưa nắm rõ các quy định của pháp luật để áp dụng vào trường hợp của gia đình. Do đó, bạn có thể tham khảo tình huống tư vấn về thừa kế của Luật Minh Gia để có thêm kiến thức pháp luật về vấn đề này.

Câu hỏi:

Ông bà nội tôi có 3 người con gái và 3 người con trai. Hiện tại, ông bà nội tôi và bố tôi đã mất, bố tôi mất sau hai ông bà. Ông bà nội có Giấy chứng nhận 2 lô đất nhưng khi mất không để lại di chúc. Chú tôi là con út nên đang sử dụng 2 lô đất đó từ năm 2007. Vậy cho tôi xin hỏi 2 lô đất đó theo luật thì chia như thế nào? Tôi là cháu có được hưởng không? Nếu có thì tôi phải làm thế nào theo luật? Cảm ơn!

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn anh đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, đối với trường hợp của anh, chúng tôi có ý kiến tư vấn như sau:

- Về vấn đề chia thừa kế của ông bà nội

Theo thông tin anh cung cấp, ông bà nội mất không để lại di chúc nên toàn bộ di sản thừa kế của ông bà sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

Như vậy, tại thời điểm ông bà nội mất, ông bà có 06 người con là người thừa kế theo pháp luật. Mỗi người con của ông bà sẽ được hưởng một phần di sản thừa bằng nhau và bằng 1/6 di sản.

- Vấn đề chia thừa kế của bố

Bởi vì bố anh mất không để lại di chúc nên chia thừa kế theo pháp luật như trường hợp của ông bà nội. Theo đó, 1/6 di sản thừa kế bố anh được thừa kế từ ông bà nội sẽ được chia đều cho những người thừa kế của bố anh gồm: mẹ của anh, anh và anh chị em ruột (nếu có).

Vậy nên, với hai lô đất của ông bà để lại, anh là cháu nhưng vẫn có quyền thừa kế với 02 lô đất vì anh được thừa kế phần di sản mà bố anh được thừa kế từ ông bà nội.

- Về phân chia di sản thừa kế

Anh có quyền yêu cầu phân chia phần di sản thừa kế mà mình có quyền được hưởng đối với 02 lô đất mà ông bà để lại. Trước hết, gia đình nên bàn bạc, thỏa thuận với nhau để giải quyết phân chia di sản thừa kế của ông bà nội. Nếu thỏa thuận được thì tất cả những người thừa kế gồm: 05 người con của ông bà, mẹ của anh, anh và anh chị em ruột của mình cùng ký vào văn bản thỏa thuận và công chứng, chứng thực văn bản này.

Nếu không thể thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, anh có quyền nộp đơn đề nghị UBND cấp xã hòa giải tranh chấp thừa kế hoặc khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất để yêu cầu phân chia di sản thừa kế theo pháp luật.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169