Hoàng Thị Nhàn

Cấp dưỡng nuôi con là gì? Yêu cầu cấp dưỡng cho con phải làm sao?

Câu hỏi: Luật sư cho hỏi về vấn đề cấp dưỡng nuôi con như sau: Năm 2012 tôi có con ngoài giá thú với một người đàn ông đã có vợ. Anh ta cũng đã làm thủ tục nhận con, cháu mang họ bố. Tôi ở yên bái, còn anh ta ở thanh hóa. Từ khi tôi sinh 2-3 tháng anh ta cũng ra thăm con một lần nhưng không cho cháu cái gì, ngược lại khi về bố mẹ tôi còn phải cho anh ta tiền đi lại.

Cũng vì mong cho con có tình cảm của cha nên tôi mới đồng ý cho nhận con, và bố mẹ tôi mới thông cảm với anh ta. Vợ và bố mẹ anh ta đều biết chuyện từ khi tôi mang thai. Đến khi con tôi được hơn một tuổi thì mẹ anh ta gọi điện cho tôi nói không công nhận cháu, cháu chưa chắc đã phải con của anh ta. Và nói tôi cắt đứt quan hệ họ càng mừng. Bố mẹ tôi giận không cho anh ta tới nhà nữa. Từ đó anh ta không thăm con nữa, tôi cũng không liên lạc nữa. Đến nay anh ta đã có 2con. Tôi không muốn con tôi liên quan đến gia đình đó nữa. Tôi muốn đổi lại họ của cháu sang họ tôi và xóa tên anh ta khỏi khai sinh của cháu. Tôi hỏi anh ta không đồng ý còn đòi tôi đưa con cho anh ta nuôi. Từ ngày tôi sinh anh ta chưa bao giờ gửi tiền nuôi con. Vậy làm thế nào tôi đổi được họ cho con? Tôi có thể yêu cầu cấp dưỡng cho con tôi không? Và nếu đưa ra tòa anh ta có thể lấy con của tôi không? Tôi không biết anh ta làm gì? Còn ở chung với bố mẹ hay đã ở riêng? Tôi và con ở với bố mẹ tôi. Mong luật sư tư vấn! 

Trả lời:

Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, về vấn đề này chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất: Vấn đề thay đổi họ cho cháu từ họ của bố sang họ của mẹ

>> Tư vấn quy định về cấp dưỡng nuôi con, gọi: 1900.6169

Bộ Luật Dân sự quy định căn cứ thay đổi họ, tên tại điều 27 như sau:

Điều 27. Quyền thay đổi họ, tên

"1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên trong các trường hợp sau đây:

a) Theo yêu cầu của người có họ, tên mà việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;

b) Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi họ, tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi không làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ, tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;

c) Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;

d) Thay đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ hoặc ngược lại;

đ) Thay đổi họ, tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;

e) Thay đổi họ, tên của người được xác định lại giới tính;

g) Các trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.".

Trường hợp của bạn, bạn và anh ta là bố mẹ hợp pháp của đứa bé, theo đó cả hai đều có nghĩa vụ nhất định đối với đứa bé kể cả khi bạn và anh ta chưa đăng ký kết hôn. Nên khi yêu cầu thay đổi họ cho con cần có sự đồng ý của cả hai và việc thay đổi này phải xuất phát từ quyền lợi hợp pháp của con. Việc anh ta không chăm sóc, thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng không phải là căn cứ pháp lý để thay đổi họ cho con.

Còn về việc xóa tên anh ta khỏi giấy khai sinh: Anh ta là cha đẻ của đứa bé, hơn nữa cũng đã qua thủ tục nhận con, nên đã được nhà nước công nhân và cũng là quyền đứng tên trong giấy khai sinh của đứa bé. Từ đó, bạn không thể yêu cầu cơ quan hộ tích xóa tên bố của đứa bé trong giấy khai sinh.

Thứ hai: Vấn đề giành quyền nuôi con và yêu cầu cấp dưỡng cho con

Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định:

Điều 15. Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn: "Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con".

Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

"2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con".

Điều 110. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con: "Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con".

Điều 119. Người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng: "1. Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó".

Trường hợp này để giành quyền nuôi con cũng như yêu cầu thực hiện cấp dưỡng bạn có thể khởi kiện ra toà án huyện, quận, thị xã nơi cư trú, làm việc của anh ta để giải quyết. Và chiếu  theo quy định trên thì khi khởi kiện ra tòa, tòa sẽ căn cứ vào sự thỏa thuận của cả hai, nếu không thỏa thuận được tòa sẽ căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con (điều kiện kinh tế, môi trường giáo dục,…)  và con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Con dưới 36 tháng được giao cho người mẹ trực tiếp chăm sóc.  Theo đó, bạn có thể yêu cầu anh ta thực hiện việc cấp dưỡng nếu như giành được quyền nuôi con.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo