Kiểm tra tính BHXH một lần bằng cách nào?
Em đóng bảo hiểm từ tháng 7/2015-3/2017. Mức lương căn cứ từ tháng 7/2015- 12/2015 là 3.317.000tr. Mức lương căn cứ từ tháng 1/2016-9/2016 là 3.750.000tr. Từ tháng 9/2016-3/2017 nghỉ sinh chế độ thai sản. Theo cách tính bên mình em tính được là: Từ tháng 7-12/2015: 3.317.000 x 6= 19.902.000. Từ tháng 1/2016-3/2017: 3.750.000 x 15 = 56.250.000. Tổng thời gian đóng là: 6+15 = 21. Tổng mức lương: 19.902.000+ 56.250.000= 76.152.000. Mức lương bình quân: 76.152.000/21 =3626,28571. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội: 2 năm. Trợ cấp xã hội 1 lần: 3626,28571 x 2 x 2 = 14.505.1429. => số tiền nhận được. Phiền quý công ty xem giúp em là em tính đúng không ạ. Xin chân thành cảm ơn. Mong sớm nhận được phản hồi ạ.
Trả lời tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi thông tin tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi giải quyết như sau:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 60 Luât BHXH 2014 quy định về mức hưởng BHXH một lần như sau:
“2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;
c) Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội."
>> Giải đáp vướng mắc về tính BHXH, gọi: 1900.6169
Và Khoản 4 Điều 20 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định:
"4. Khi tính mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa năm, từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.
Trường hợp tính đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2014 nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2014 trở đi để làm căn cứ tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần."
Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định sau năm 2014 là 1 năm 9 tháng, do đó thời gian đóng BHXH của bạn sẽ được làm tròn là 2 năm, trong đó mỗi năm tham gia BHXH sau năm 2014 sẽ được hưởng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Vậy bạn sẽ được hưởng: 2 x 2 = 4 tháng mức bình quân tiền lương.tháng đóng BHXH.
Và Điều 2 Thông tư 32/2017/TT-BLĐTBXH quy định tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được điều chỉnh theo công thức sau:
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội sau điều chỉnh của từng năm |
= |
Tổng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của từng năm |
x |
Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội của năm tương ứng |
Căn cứ tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư 32/2017/TT-BLĐTBXH mức điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội của năm 2015, 2016, 2017 lần lượt là 1,06; 1,04; 1,0.
Như vậy, tiền lương tháng đóng BHXH của bạn sau khi đã điều chỉnh thêm hệ số trượt giá của các năm là:
Năm 2015: 3.317.000 x 6 x 1,06 = 21.096.120 đồng
Năm 2016: 3.750.000 x 12 x 1,04 = 46.800.000 đồng
Năm 2017: 3.750.000 x 3 x 1,0 = 11.250.000 đồng
Theo đó, mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của bạn được tính như sau:
(21.096.120 + 46.800.000 + 11.250.000) : 21 = 3.768.862,86 đồng/tháng
Như vậy, số tiền bảo hiểm xã hội một lần bạn nhận được là:
3.768.862,86 x 4 = 15.075.451,4 đồng
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất