Bố mẹ yêu cầu trực tiếp nuôi dưỡng cháu nội
Nội dung đề nghị tư vấn: Kính thưa Luật sư! Tôi và chồng cũ đã ly hôn được gần 7 năm, từ khi con trai tôi 17 tháng. Tòa xử cho tôi được quyền nuôi con và chồng cũ phải có nghĩa vụ chu cấp cho con tôi 5 triệu/tháng đến khi con tôi 18 tuổi. Từ đó đến nay chưa bao giờ anh ta thực hiện nghĩa vụ chu cấp và trách nhiệm giáo dục con, cũng chưa bao giờ liên lạc hỏi thăm về con tôi (có lẽ anh ta không nhớ nổi mặt con mình nữa).Tôi đã 3 lần gửi đơn lên thi hành án các quận nơi anh ta sống nhưng không thể đòi được quyền lợi cho con tôi vì anh ta trốn tránh. Hiện tại anh ta đã lấy vợ và đẻ 2 con gái. Còn tôi thì vẫn ở vậy nuôi con. Gần đây, với lý do muốn có cháu đích tôn, gia đình anh ta bắt đầu liên lạc gây sức ép dưới nhiều hình thức để ép tôi giao con, nghiêm trọng nhất là 2 lần gần đây bố mẹ anh ta còn gọi điện cho lãnh đạo cơ quan nơi tôi đang công tác để nói xấu tôi và viết đơn thư với lời lẽ xúc phạm nhằm hạ uy tín của tôi, làm ảnh hưởng xấu đến qúa trình công tác và đe dọa làm tôi mất việc. Tất cả điều này làm tôi rất hoang mang và lo lắng, ảnh hưởng xấu đến quá trình nuôi dạy con của tôi. Trong quá trình chung sống, lý do tôi ly hôn là do anh ta có lối sống vô trách nhiệm, buông thả, trụy lạc, thường xuyên cặp bồ, quan hệ với gái mại dâm. Tất cả những bằng chứng về lối sống của anh ta tôi vẫn còn giữ. Xin hỏi Luật sư, với những yếu tố nêu trên, tôi có đủ cơ sở để đề nghị tòa án ra lệnh hạn chế quyền thăm nom của chồng cũ và gia đình anh ta hay không? Nếu có thì tôi sẽ gửi đơn đến tòa án cũ nơi xét xử ly hôn hay tòa án ở địa bàn tôi đang có hộ khẩu thường trú? Xin Luật sư sớm giải đáp giúp tôi! Tôi xin vô cùng biết ơn!
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới công ty Luật Minh Gia, với tình huống của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Thứ nhất, về quyền thăm nom con
Theo quy định tại Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
"Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình
Hơn nữa,Theo khoản 1 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn:
“Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.”
Khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
“Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”
Đối với trường hợp của bạn thì sau khi ly hôn thì Tòa án đã giao con cho bạn trực tiếp nuôi. Về nguyên tắc thì chồng bạn hoàn toàn có quyền đến thăm non con của hai người mà bạn không có quyền ngăn cản vì lý do không chính đáng.
Tuy nhiên, nếu bạn muốn xem xét để hạn chế quyền thăm con đối với chỗng cũ của bạn thì theo quy định của pháp luật thì bạn có thể yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm con trong các trường hơp:
Điều 85. Hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên
1. Cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây:
a) Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
b) Phá tán tài sản của con;
c) Có lối sống đồi trụy;
d) Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
2. Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 86 của Luật này ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm. Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này.
Như vậy, nếu bạn có căn cứ chứng minh chồng cũ mình còn giữ lối sống đồi trụy như thường xuyên ngoại tình, phá tán tài sản,...thì đây cũng là một căn cứ để cho Tòa án xem xét giải quyết giúp bạn.
Thứ hai, về vấn đề xúc phạm danh dự, nhân phẩm
Theo quy định của pháp luật thì danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
Căn cứ Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định:
“1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
…
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Như vậy, theo quy định trên, người nào có hành vi, lời nói nhằm xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm về tội làm nhục người khác. Đối với hành vi của bố mẹ chồng cũ bạn có hành vi gọi điện đến cơ quan của bạn và viết đơn nhằm xúc phạm danh dự của mình. Khi xem xét hành vi trên thì căn cứ quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 bạn cần phải có chứng cứ chứng minh việc này xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của bạn ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của bạn thông qua những cuộc điện thoại mà gọi lên cơ qua hoặc người nghe cuộc điện thoại của bạn làm chứng; có chứng cứ thì bạn mới có thể trình báo lên cơ quan công an.
Thứ ba, về xử phạt vi phạm hành chính
Trong trường hợp hành vi của bố mẹ chồng cũ bạn chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bạn có quyền làm đơn tố cáo hành vi của người đó gửi ra công an khu vực, nếu đủ cơ sở chứng minh, tùy theo mức độ, hành vi của người này có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:
Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;”
Thứ tư, về trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi danh dự, nhân phẩm bị xâm hại
Tại Điều 592 Bộ luật dân sự 2015 quy định Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm:
"1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
c) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định."
Người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác sẽ có trách nhiệm bồi thường theo quy định trên.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất