Nguyễn Nhàn

Bitcoin là gì? Mua bán Bitcoin có được pháp luật thừa nhận?

Đầu tư tiền ảo, kinh doanh tiền ảo là một trong những hình thức kinh doanh phổ biến hiện nay và được giới trẻ đặc biệt quan tâm mà tên gọi phổ biến được sử dụng đó là Bitcoin. Hình thức đầu tư này mặc dù đã xuất hiện được một thời gian tương đối lâu nhưng không phải ai cũng nắm được cụ thể thông tin về loại hình đầu tư này. Dưới đây là một số nội dung liên quan đến Bitcoin, quý khách có thể tham khảo để hiểu thêm về Bitcoin.

1. Bitcoin là gì?

Hiện nay không có quy định nào ghi nhận cụ thể về Bitcoin, tuy nhiên thông qua sự phát triển của Bitcoin trên thực tế có thể hiểu Bitcoin là một trong những tên gọi thường được sử dụng để chỉ dạng tiền kỹ thuật số (tiền ảo), không được phát hành bởi chính phủ hay một tổ chức tài chính, mà được tạo ra và vận hành dựa trên hệ thống các máy tính kết nối mạng internet ngang hàng nhằm mục đích trao đổi, mua bán hàng hoá, dịch vụ.

Thời gian gần đây, thị trường mua bán, đầu tư vào Bitcoin ngày càng phát triển mạnh mẽ, thu hút nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, hình thưc đầu tư tiền ảo này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý mà nhà đầu tư nên tìm hiểu và cân nhắc trước khi quyết định đầu tư.

2. Mua bán Bitcoin có được pháp luật thừa nhận không?

Trước tiên, phải khẳng định hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể nào điều chỉnh về vấn đề mua bán hoặc thanh toán bằng Bitcoin.

Ngoài ra, Tại Khoản 6 và 7 Điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định 80/2016/NĐ-CP có quy định như sau:

“6. Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

7. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại khoản 6 Điều này”.

Căn cứ quy định nêu trên, tiền ảo nói chung và Bitcoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng Bitcoin làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm theo quy định.

Ngoài ra, Theo Điều 36 Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013) quy định nguyên tắc kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối như sau:

“Điều 36. Nguyên tắc kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối.

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối ở trong nước và nước ngoài sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận bằng văn bản.

2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về phạm vi kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối ở trong nước và nước ngoài, điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác.”

Căn cứ quy định nêu trên thì để được kinh doanh tiền ảo cần phải đáp ứng đồng thời các điều kiện như sau: Chủ thể kinh doanh là tổ chức tín dụng, tổ chức khác và phải được chấp thuận bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước.

Căn cứ vào các quy định đã nêu ở trên, trường hợp các sàn giao dịch tiền ảo chưa được cấp phép bởi Ngân hàng nhà nước thì cá nhân Việt Nam đầu tư tiền ảo là trái với các quy định pháp luật Việt Nam. Các sàn giao dịch tiền ảo đang hoạt động tại Việt Nam hiện chịu sự quản lý từ nước ngoài, nơi tổ chức cung cấp dịch vụ đặt trụ sở, nên trong trường hợp có có tranh chấp, xung đột xảy ra thì sẽ áp dụng pháp luật nước ngoài để giải quyết, do đó rủi ro hoàn toàn thuộc về nhà đầu tư Việt Nam khi tham gia.

3. Chế tài xử phạt theo quy định hiện hành

Việc tự ý phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp (như tiền ảo, tiền điện tử, tiền mã hóa) sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 6 điều 26 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng với mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng được quy định tại điều 206 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 nếu các hành vi Phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp hoặc kinh doanh ngoại hối trái phép mà gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên.

Từ những phân tích trên, nếu quý khách đang hoặc đã đầu tư vào sàn giao dịch tiền ảo hoặc có phát sinh các hoạt động liên quan đến tiền ảo nên tìm hiểu kỹ về loại hình mình đầu tư để tránh các rủi ro có thể xảy ra đối với hoạt động đầu tư của mình.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Bài viết liên quan
Liên hệ tư vấn