Đinh Thị Minh Nguyệt

Bảng báo cáo kết quả kinh doanh là gì? Gồm nội dung nào?

Báo cáo kết quả kinh doanh là một thủ tục không thể thiếu trong hoạt động báo cáo tài chính của doanh nghiệp khi kết thúc một chu kỳ kinh doanh. Đây là văn bản thống kê các số liệu liên quan đến doanh thu, chi phí, lợi nhuận, từ đó phản ánh chính xác về tình hình kinh doanh, sản xuất trên thực tế của doanh nghiệp. Cụ thể, các vấn đề này được quy định như thế nào, Luật Minh Gia xin tư vấn qua bài viết sau.

1. Bảng báo cáo kết quả kinh doanh là gì?

Ngay từ tên gọi của văn bản này đã thể hiện được những nội dung chính trong văn bản, cụ thể đó là những thông tin, số liệu báo cáo tổng hợp về tình hình tài chính của doanh nghiệp trong một kỳ kế toán. 

Dưới góc độ pháp lý, quy định về báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh theo khoản 1 điều 113 Thông tư 200/2014/TT-BTC như sau: “a) Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh phản ánh tình hình và kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm kết quả từ hoạt động kinh doanh chính và kết quả từ các hoạt động tài chính và hoạt động khác của doanh nghiệp.”

Thông qua Báo cáo, doanh nghiệp có thể nắm rõ được tính hiệu quả của hoạt động kinh doanh để đưa ra các phương án xử lý và kế hoạch cụ thể. 

2. Yêu cầu đối với Bảng báo cáo kết quả kinh doanh 

Bảng báo cáo kết quả kinh doanh thuộc hệ thống Báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Theo đó, pháp luật quy định về yêu cầu chung đối với các thông tin trình bày trong báo cáo này theo điều 101 Thông tư 200/2014/TT-BTC như sau:

  • Thông tin trình bày phải phản ánh trung thực, hợp lý tình hình tài chính, tình hình và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Để đảm bảo sự trung thực, thông tin phải có 3 tính chất là đầy đủ, khách quan, không có sai sót.
  • Thông tin tài chính phải thích hợp để giúp người sử dụng Báo cáo tài chính dự đoán, phân tích và đưa ra các quyết định kinh tế.
  • Thông tin tài chính phải được trình bày đầy đủ trên mọi khía cạnh trọng yếu. Thông tin đư­ợc coi là trọng yếu trong trư­ờng hợp nếu thiếu thông tin hoặc thông tin thiếu chính xác có thể làm ảnh hưởng tới quyết định của người sử dụng thông tin tài chính của đơn vị báo cáo. Tính trọng yếu dựa vào bản chất và độ lớn, hoặc cả hai, của các khoản mục có liên quan được trình bày trên báo cáo tài chính của một đơn vị cụ thể.
  • Thông tin phải đảm bảo có thể kiểm chứng, kịp thời và dễ hiểu.
  • Thông tin tài chính phải được trình bày nhất quán và có thể so sánh giữa các kỳ kế toán; So sánh được giữa các doanh nghiệp với nhau.

3. Các nội dung trong Bảng báo cáo kết quả kinh doanh

Về hình thức, Bảng báo cáo kết quả kinh doanh được thực hiện theo mẫu số B02 - DN tại Phụ lục 2 Thông tư 200/2014/TT-BTC. Trong đó, bảng được chia thành 5 cột với các thông số chính gồm: 

  • Cột số 1: Các chỉ tiêu báo cáo;
  • Cột số 2: Mã số của các chỉ tiêu tương ứng;
  • Cột số 3: Số hiệu tương ứng với các chỉ tiêu của báo cáo này được thể hiện chỉ tiêu trên Bản thuyết minh Báo cáo tài chính;
  • Cột số 4: Tổng số phát sinh trong kỳ báo cáo năm;
  • Cột số 5: Số liệu của năm trước (để so sánh).

Về nội dung, Bảng báo cáo phải có các chỉ tiêu cụ thể nhằm đánh giá và tổng hợp kết quả kinh doanh. Theo pháp luật hiện hành, các chỉ tiêu đánh giá được quy định gồm 3 nhóm chính: doanh thu, chi phí và lợi nhuận, cụ thể như sau: 

  • Nhóm chỉ tiêu về doanh thu gồm: 
    • Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (Mã số 01); 
    • Các khoản giảm trừ doanh thu (Mã số 02);
    • Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ (Mã số 10);
    • Giá vốn hàng bán (Mã số 11);
    • Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ (Mã số 20); 
    • Doanh thu hoạt động tài chính (Mã số 21). 
  • Nhóm chỉ tiêu về chi phí gồm: 
    • Chi phí tài chính (Mã số 22);
    • Chi phí lãi vay (Mã số 23);
    • Chi phí bán hàng (Mã số 25);
    • Chi phí quản lý doanh nghiệp (Mã số 26);
    • Chi phí khác (Mã số 32);
    • Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành (Mã số 51);
    • Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại (Mã số 52). 
  • Nhóm chỉ tiêu về lợi nhuận gồm: 
    • Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (Mã số 30);
    • Thu nhập khác (Mã số 31);
    • Lợi nhuận khác (Mã số 40);
    • Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế (Mã số 50);
    • Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp (Mã số 60);
    • Lãi cơ bản trên cổ phiếu (Mã số 70);
    • Lãi suy giảm trên cổ phiếu (Mã số 71). 

Khái niệm và phương pháp lập các chỉ tiêu này được quy định cụ thể tại khoản 3 điều 113 Thông tư 200/2014/TT-BTC. Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, pháp luật cũng có quy định về mẫu Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh theo mẫu số B02-DNN ban hành kèm theo Thông tư 133/2016/TT-BTC.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Bài viết nổi bật
Liên hệ tư vấn
Chat zalo