Phạm Việt Hằng

Ai phải nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản khi ly hôn?

Khi ly hôn, vấn đề phân chia tài sản chung là một trong những vấn đề quan trọng và nhận được nhiều sự quan tâm. Các nguyên tắc về phân chia tài sản chung được pháp luật quy định rất chi tiết nhằm đảm bảo tối ưu quyền lợi của mỗi bên. Tuy nhiên, có không ít trường hợp việc định giá tài sản chưa rõ ràng và gây không ít khó khăn. Vậy ai sẽ là người có nghĩa vụ nộp chi phí khi yêu cầu Tòa án thẩm định trong trường hợp này? Tình huống sau đây sẽ giải đáp thắc mắc trên.

Câu hỏi:

Thưa luật sư Minh Gia, em có câu hỏi xin hỏi luật sư như sau: em Triệu Hà Danh là bị đơn trong vụ án ly hôn hai vợ chồng không thoả thuận được phần tài sản trồng trên đất lâm nghiệp. Em yêu cầu tòa án vào thẩm định số cây trồng trên đất lâm nghiệp cho vợ chồng em nhưng toà yêu cầu em là bị đơn nhưng phải chịu hoàn toàn mức phí trước khi đi thẩm định. Tại sao bên nguyên đơn là chồng em không phải nộp mức phí đó là đúng hay sai ạ xin nhờ luật sư tư vấn giúp em phần tài sản trên của em. Xin cảm ơn luật sư.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, đối với trường hợp của bạn, chúng tôi có ý kiến tư vấn như sau:

1. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản, chi phí định giá tài sản, thẩm định giá

Các nghĩa vụ này được quy định tại Điều 164 và Điều 165 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 như sau:

Điều 164. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản

“Trường hợp các bên đương sự không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác thì nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản được xác định như sau:

1. Người yêu cầu định giá tài sản phải nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản.

2. Trường hợp các bên đương sự không thống nhất được về giá và cùng yêu cầu Tòa án định giá tài sản thì mỗi bên đương sự phải nộp một nửa tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản. Trường hợp có nhiều đương sự, thì các bên đương sự cùng phải nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản theo mức mà Tòa án quyết định.

3. Đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 104 của Bộ luật này thì nguyên đơn, người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản.”

Điều 165. Nghĩa vụ chịu chi phí định giá tài sản, thẩm định giá

“Trường hợp các bên đương sự không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác thì nghĩa vụ chịu chi phí định giá tài sản, thẩm định giá được xác định như sau:

1. Đương sự phải chịu chi phí định giá tài sản nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận.

2. Trường hợp yêu cầu Tòa án chia tài sản chung thì mỗi người được chia tài sản phải chịu phần chi phí định giá tài sản tương ứng với tỷ lệ giá trị phần tài sản mà họ được chia.

3. Trường hợp Tòa án ra quyết định định giá tài sản quy định tại điểm c khoản 3 Điều 104 của Bộ luật này thì nghĩa vụ chịu chi phí định giá tài sản được xác định như sau:

a) Đương sự phải chịu chi phí định giá tài sản quy định tại khoản 1 Điều này nếu kết quả định giá chứng minh quyết định định giá tài sản của Tòa án là có căn cứ;

b) Tòa án trả chi phí định giá tài sản nếu kết quả định giá tài sản chứng minh quyết định định giá tài sản của Tòa án là không có căn cứ.

4. Trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217, điểm b khoản 1 Điều 299 của Bộ luật này và Hội đồng định giá đã tiến hành định giá thì nguyên đơn phải chịu chi phí định giá tài sản.

Trường hợp đình chỉ giải quyết việc xét xử phúc thẩm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 289, khoản 3 Điều 296 của Bộ luật này và Hội đồng định giá đã tiến hành định giá thì người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải chịu chi phí định giá tài sản.

5. Các trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án khác theo quy định của Bộ luật này và Hội đồng định giá đã tiến hành định giá thì người yêu cầu định giá tài sản phải chịu chi phí định giá tài sản.

6. Nghĩa vụ chịu chi phí thẩm định giá tài sản của đương sự được thực hiện như nghĩa vụ chịu chi phí định giá tài sản quy định tại các khoản 1, 2, 4 và 5 Điều này.”

Theo khoản 2 Điều 165 trên đây thì trong trường hợp yêu cầu Tòa án chia tài sản chung thì mỗi người được chia tài sản phải chịu phần chi phí định giá tài sản tương ứng với tỷ lệ giá trị phần tài sản mà họ được chia. Tuy nhiên, trong trường hợp của bạn đang đề cập đến là tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản. Mà theo quy định tại khoản 1 Điều 164 Bộ luật Dân sự 2015 thì người yêu cầu định giá tài sản phải nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản. Bạn hiện là người yêu cầu nên bạn phải nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản này.

Phía nguyên đơn sẽ phải chịu toàn bộ chi phí định giá tài sản trong trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217, điểm b khoản 1 Điều 299 của Bộ luật này và Hội đồng định giá đã tiến hành định giá theo khoản 4 Điều 165 như trên.

2. Phân chia tài sản chung khi ly hôn

Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn theo Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 được quy định như sau:

“1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.

2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

6. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn Điều này.”

Như vậy, khi tiến hành phân chia tài sản chung của bạn và chồng bạn khi ly hôn sẽ căn cứ vào các quy định trên đây.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia. Mọi thông tin, hồ sơ bổ sung kèm theo nếu có quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169