Luật sư Lê Văn Chức

Ai được quyền sử dụng phần ranh giới giữa hai thửa ruộng?

Hiện giờ giữa tôi và bà A đang xảy ra mâu thuẫn về một phân đất nằm giữa 2 thửa ruộng của tôi và bà A.bà A tự ý trồng chuối xuống chỗ đất ấy không có sự thỏa thuận gì với gia đình tôi . tôi đã phát bớt đi mấy chục cây khoảng một phần để quang bờ ruộng. A làm đơn kiện tôi lên UBND xã. UBND xã buộc tôi vào tội cố ý phá hoại tài sản người khác và xử phạt hành chính 2 triệu theo luật xử phạt.

Từ sự việc trên tôi có vài thắc mắc muốn quý luật sư giải đáp giúp là:

1. Theo luật thì mảnh đất này ai được quyền sử dụng, trong khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ chứng nhận đất trồng lúa còn đất ngoài ruộng thì không rõ.

2. Nếu không có quyền sử dụng bà A trồng cây lên và ảnh hưởng đến lúa tôi như vậy có đúng không ? Và có được coi là tài sản của bà A không?

3. Nếu tôi đã phạm tội cố ý phá hoại tài sản người khác mức độ thiệt hại nhỏ, không nghiêm trọng( giá trị khoảng 150nghìn) tôi có được giảm nhẹ không ?Rất mong sự vấn đáp của luật sư
 

Ai được quyền sử dụng phần ranh giới giữa hai thửa ruộng?

 Nội dung tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi nội dung yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Theo quy định tại Điều 265 và Điều 266 Bộ luật dân sự quy định nghĩa vụ tôn trọng ranh giới giữa các bất động sản:

"1. Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thoả thuận của các chủ sở hữu hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ ba mươi năm trở lên mà không có tranh chấp.

2. Người có quyền sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới trong khuôn viên đất phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất liền kề của người khác.

Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

3. Trong trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng thì người sử dụng đất có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung; không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách."

Điều 266 Quyền sở hữu đối với mốc giới ngăn cách các bất động sản

"1. Chủ sở hữu bất động sản liền kề chỉ được dựng cột mốc, hàng rào, xây tường ngăn trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình. Những người sử dụng đất liền kề có thể thoả thuận với nhau về việc dựng cột mốc, hàng rào, xây tường ngăn, trồng cây trên ranh giới để làm mốc giới ngăn cách giữa các bất động sản; những vật mốc giới này là sở hữu chung của những người đó.

Trong trường hợp mốc giới ngăn cách chỉ do một bên tạo nên trên ranh giới và được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý thì mốc giới ngăn cách đó là sở hữu chung, chi phí để xây dựng do bên tạo nên chịu, trừ trường hợp có thoả thuận khác; nếu chủ sở hữu bất động sản liền kề không đồng ý mà có lý do chính đáng thì chủ sở hữu đã dựng cột mốc, hàng rào, xây tường ngăn phải dỡ bỏ.

Đối với cây là mốc giới chung, các bên đều có nghĩa vụ bảo vệ; hoa lợi thu được từ cây được chia đều, trừ trường hợp có thoả thuận khác”.

Như vậy, việc bà A trồng cây trên phần đất thuộc về ranh giới chung của 2 nhà là không đúng quy định của pháp luật. Đây là phần đất thuộc sở hữu chung của cả hai bên, không ai có quyền được tự ý lấn chiếm. Nếu mỗi cá nhân có nhu cầu trồng cây trên phần đất ranh giới đó để làm mốc ngăn cách các bất động sản thì việc trồng cây trên phần đất này phải có sự đồng ý của bên còn lại, nếu như bạn không đồng ý thì bạn có quyền buôc bà A buộc phải phá bỏ số chuối đã trồng trên đất là ranh giới chung của hai nhà chứ không được quyền tự ý phá bỏ. Đối với số chuối đã trông trên phần đất ranh giới chung thì hoa lợi thu được sẽ là tài sản chung của cả 2 bên (trừ trường hợp 2 bên có thỏa thuận khác). Do bà A đã trồng chuối nên trên mảnh đất này, đó là tài sản chung của cả anh và bà A nên khi anh tự ý phá bỏ chuối sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của A.

Về việc bồi thường thiệt hại. Theo căn cứ quy định tại Điều 604 và Điều 605 quy định về Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại và nguyên tắc bồi thường thiệt hại:

"1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó."

"1. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường”.

Như vậy, việc bạn tự ý chặt bỏ số chuối trên phần diện tích chung thì bạn chỉ phải bồi thường tương ứng với thiệt hại tài sản của bà A mà bạn đã phá bỏ. Nếu hai bên có thỏa thuận khác thì thực hiện theo thỏa thuận. Nếu tổng thiệt hại là 150 nghìn thì bạn cũng chỉ phải bồi thường cho bà A 150 nghìn và có thể là thêm số tiền để bà A khắc phục thiệt hại.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169