Ai có quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi?
Mục lục bài viết
Ai là người nuôi con khi ly hôn?
Theo Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định khi ly hôn vợ chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con. Trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con.
Nội dung yêu cầu tư vấn: Chào luật sư, cho em hỏi về vấn đề luật hôn nhân gia đình như sau: Em và chồng em lấy nhau từ tháng 12 năm 202x đến nay có 1 bé trai 4 tháng tuổi nhưng chưa đăng ký kết hôn. Giấy khai sinh của con chỉ có tên em chứ không có tên chồng em. Về bên gia đình chồng thì không sao nhưng chồng em không đi làm gì suốt ngày phá tiền của em rồi đập đá, bia rượu say khướt đi đêm về hôm đánh đập em. Nhiều lúc con mới có 2 3 tháng tuổi vẫn bị ăn tát. Hiện tại bây giờ em đã ôm con bỏ đi từ ngày 6 tháng 5 năm 202x. Nếu gia đình chồng em kiện lên tòa thì liệu em có được quyền nuôi con không? Em hiện nay không làm gì vậy thì em cần những điều kiện gì để có thể giành quyền nuôi con? Em cảm ơn luật sư.
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với nội dung yêu cầu tư vấn của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:
Theo khoản 3 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau: “3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Theo quy định trên, con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi trừ trường hợp mẹ không đủ điều kiện nuôi con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con. Như vậy, hiện tại con của bạn 04 tháng tuổi nên khi ly hôn tòa án giao sẽ giao con cho bạn nuôi trừ trường hợp bạn không đủ điều kiện nuôi con.
Cụ thể khoản 3 Điều 6 Nghị quyết 01/2024/NQQ-HĐTP quy định như sau:
“3. “Người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con” quy định tại khoản 3 Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình là trường hợp người mẹ thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bị bệnh nặng khác mà không thể tự chăm sóc bản thân hoặc không thể trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
Ví dụ: Trường hợp người mẹ bị đột quỵ và liệt nửa người, không còn khả năng đi lại thì Tòa án không giao con dưới 36 tháng tuổi cho người mẹ trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
b) Có thu nhập mỗi tháng thấp hơn một nửa tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người mẹ đang cư trú và không có tài sản nào khác để trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
c) Người mẹ không có điều kiện về thời gian tối thiểu để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.”
Như vậy, để đảm bảo chắc chắn quyền nuôi con bạn phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Không mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh nặng khác không thể tự chăm sóc cho mình hoặc chăm sóc con;
- Có thu nhập cao hơn nửa tháng lương tối thiểu vùng tại nơi bạn đang cư trú và có tài sản khác để nuôi con;
- Có đủ điều kiện về thời gian tối thiểu để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Ngoài ra, bạn có thể cung cấp bằng chứng về việc chồng bạn tiêu xài tiền của bạn, sử dụng chất ma túy, uống rượu bia, đánh đập bạn để làm căn cứ giành quyền nuôi con.
Trân trọng!
Phòng luật sư tư vấn – Công ty Luật Minh Gia.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất