Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Sửa đổi di chúc nhưng không công chứng có hiệu lực không?

Thưa luật sư, nhờ luật sư giải đáp giúp tôi thắc mắc về sửa đổi di chúc như sau: Má tôi có lập di chúc cho 3 anh em tôi một căn nhà ,di chúc này có công chứng tại phòng công chứng nhà nước,nhưng theo di chúc đã lập thì căn nhà chưa chia phần cho mỗi người cụ thể.

Nay Má tôi muốn chia phần cho mỗi người cụ thể hơn - Má tôi viết tay và ký tên giấy thoả thuận chia tài sản (không có công chứng) lập ngày ..tháng..năm....nơi cư ngụ, và chia phần cụ thể cho từng người và cò sự đồng ý của 3 anh em tôi.cho tôi được hỏi: Giấy thoả thuận chia tài sản viết tay này có giá trị không,có đi kèm với di chúc đã công chứng hay không. Chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Điều 640 Bộ luật dân sự 2015 quy định về sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc như sau:

“Điều 640. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc

1. Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.

2. Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.

3. Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.”.

Như vậy, theo quy định tại Điều 640 Bộ luật dân sự thì người lập di chúc có quyền sửa đổi, bổ sung di chúc bất cứ lúc nào. 

Tuy nhiên, trong trường hợp của mẹ bạn thì di chúc đã được công chứng nên việc sửa đổi, bổ sung di chúc phải tuân thủ khoản 3 Điều 56 Luật công chứng 2014, cụ thể như sau: 

“3. Di chúc đã được công chứng nhưng sau đó người lập di chúc muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc thì có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào công chứng việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ đó. Trường hợp di chúc trước đó đang được lưu giữ tại một tổ chức hành nghề công chứng thì người lập di chúc phải thông báo cho tổ chức hành nghề công chứng đang lưu giữ di chúc biết việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đó.”.

Tuy nhiên vấn đề này cũng có nhiều quan điểm khác nhau do có sự mâu thuẫn của pháp luật cụ thể như sau:

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 643 Bộ luật dân sự 2015 quy định: Nếu một người để lại nhiều bản di chúc thì bản sau cùng sẽ có hiệu lực pháp luật. Do vậy nếu mẹ bạn không thuộc trường hợp bắt buộc phải công chứng di chúc (không bị nhược điểm về thể chất, tinh thần) thì có thể lập bản di chúc viết tay sau thời điểm lập di chúc công chứng. Theo quy định tại Khoản 5 Điều 643 Bộ luật dân sự 2015 thì di chúc viết tay sẽ có hiệu lực (do được lập sau).

Nhưng theo Điều 56 Luật công chứng 2014 thì Di chúc công chứng (lập trước) mới có hiệu lực pháp luật vì chưa bị huỷ bỏ, sửa đổi theo đúng thủ tục.

Do vậy, để chắc chắn giá trị hiệu lực của di chúc thì mẹ bạn nên đến phòng công chứng đó để sửa đổi di chúc theo quy định tại Điều 56 Luật Công chứng.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn luật thừa kế trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn