Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Lập di chúc cho người thân đang ở nước ngoài?

Vui lòng tư vấn giúp tôi về thông tin liên quan đến việc Lập Di Chúc như sau: 1. Có thể Di chúc cho thân nhân đang sinh sống ở nước ngoài, không có quốc tịch Việt Nam không? 2.Hướng dẫn cách thực hiện di chúc bằng văn bản. Chân thành cám ơn.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi nội dung yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Tại Điều 609 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

“Điều 609. Quyền thừa kế

Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.”.

Như vậy, theo quy định trên bạn vẫn có quyền lập di chúc để lại tài sản của mình cho nhân thân đang sinh sống tại nước ngoài, không có quốc tịch Việt Nam.

Tại Luật nhà ở 2014 quy định như sau:

 Điều 7. Đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam

1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước.

2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều 159 của Luật này.

Điều 8. Điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở

1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam; đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì phải có đủ điều kiện quy định tại Điều 160 của Luật này.

2. Có nhà ở hợp pháp thông qua các hình thức sau đây:

a)  Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước thì thông qua hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;

b) Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản); mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật;

c) Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì thông qua các hình thức quy định tại khoản 2 Điều 159 của Luật này.

Như vậy nếu người được thừa kế theo di chúc thuộc đối tượng nêu trên, khi được hưởng di chúc là nhà, đất họ sẽ có quyền sở hữu. Nếu không thuộc những đối tượng nêu trên, họ chỉ được nhận giá trị của nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở.

Việc lập di chúc bằng văn bản bao gồm:

- Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;

- Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;

- Di chúc bằng văn bản có công chứng;

- Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

Di chúc bằng văn bản phải bảo đảm các nội dung sau (Điều 631 Bộ luật dân sự 2015):

- Ngày, tháng, năm lập di chúc;

- Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

- Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

- Di sản để lại và nơi có di sản;

- Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ.

Ngoài ra, di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

Lưu ý về điều kiện sau đây đối với người lập di chúc:

- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;

- Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Lập di chúc cho người thân đang ở nước ngoài?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn pháp luật thừa kế để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn