Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại

Kính chào Luật sư. Mong Luật sư tư vấn giúp trường hợp sau.

 

A chuyển nhượng cổ phần của mình cho B (B không phải là cổ đông trong công ty). Do việc chuyển nhượng này nằm trong thời hạn 3 năm (thời gian hạn chế chuyển nhượng cổ phẩn) và người nhận chuyển nhượng không phải là cổ đông sáng lập và cũng không có sự đồng ý của Đại hội đồng cổ đông nên việc chuyển nhượng cổ phần này không đúng theo quy định của pháp luật. Do vậy, sau khi nhận chuyển nhượng cổ phần B muốn hủy hợp đồng và đòi lại số tiền đã thanh toán cổ phần cho A. Như vậy, tranh chấp này có được xem là phát sinh trong hoạt động thương mại hoặc tranh chấp phát sinh mà một trong các bên có hoạt động thương mại không. Tranh chấp này có liên quan đến mục đích lợi nhuận và có thuộc thẩm quyền của trọng tài thương mại nếu các bên có thỏa thuận không. Xin trân trọng cảm ơn!

 

Trả lời:Chào bạn,cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Gia. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau

Căn cứ Điều 119 Luật doanh nghiệp năm 2014:

"Điều 119. Cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập

1. Công ty cổ phần mới thành lập phải có ít nhất 03 cổ đông sáng lập; công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước hoặc từ công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc được chia, tách, hợp nhất, sáp nhập từ công ty cổ phần khác không nhất thiết phải có cổ đông sáng lập.

Trường hợp không có cổ đông sáng lập, Điều lệ công ty cổ phần trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc các cổ đông phổ thông của công ty đó.

2. Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp.

3. Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó.

4. Các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được bãi bỏ sau thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Các hạn chế của quy định này không áp dụng đối với cổ phần mà cổ đông sáng lập có thêm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và cổ phần mà cổ đông sáng lập chuyển nhượng cho người khác không phải là cổ đông sáng lập của công ty."

Như vậy  nếu A là cổ đông sáng lập và cố phần mà A sở hữu là từ việc đăng ký thành lập doanh nghiệp  thì việc chuyển nhượng của A là vi phạm quy định của pháp luật.

Căn cứ khoản 1 Điều 3 Luật thương mại năm 2005:

"1. Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác."

Như vậy tranh chấp trên được xác định là tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại vì nó nhằm mục đích sinh lợi.

 Về thẩm quyền của trọng tài thương mại, Luật trọng tài thương mại quy định như sau:

"Điều 2. Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài

1. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.

2. Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.

3. Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài."

Căn cứ khoản 1, 3  Điều 2 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP:

"Điều 2. Xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa Trọng tài, Tòa án theo quy định Luật TTTM

1. Trọng tài có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp quy định tại Điều 2 Luật TTTM nếu các bên có thoả thuận trọng tài quy định tại Điều 5 và Điều 16 Luật TTTM, trừ trường hợp hướng dẫn tại khoản 3 Điều này.

3. Tranh chấp có thỏa thuận trọng tài nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác:

a) Có quyết định của Tòa án huỷ phán quyết trọng tài, hủy quyết định của Hội đồng trọng tài về việc công nhận sự thỏa thuận của các bên;

b) Có quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài, Trung tâm trọng tài quy định tạikhoản 1 Điều 43 các điểm a, b, d và đ khoản 1 Điều 59 Luật TTTM;

c) Tranh chấp thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 4 Nghị quyết này."

Như vậy theo quy định trên thuộc thẩm quyền của trọng tài nếu các bên có thỏa thuận giải quyết tại trọng tài thương mại nhưng thỏa thuận này không được thuộc trường hợp tại khoản 3 Điều 2 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại . Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng
P.Luật sư trực tuyến – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo