Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn hợp đồng phân phối và chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa

Thưa luật sư! Xin Luật sư trả lời giúp gia đình tôi: Tôi có mở một cửa hàng kinh doanh mặt hàng bao gồm: Giống cây trồng( hạt giống: lúa, ngô và rau màu), Phân bón( phân vô cơ dùng bón qua gốc, và bón qua lá), thuốc bảo vệ thực vật. Tôi có đầy đủ các thủ tục: Giấy Chứng Nhận Kinh Doanh, Giấy Chứng Nhận đủ điều kiện kinh doanh, Giấy phép hành nghề, Dự án cam kết bảo vệ môi trường.

Hàng hoá có bao bì, nhãn mác, tên và địa chỉ công ty nơi cung cấp nguyên liệu, sản xuất, đóng gói và phân phối đầy đủ, rõ ràng. Hàng được bảo quản theo đúng tiêu chuẩn về kho và kệ cửa hàng. Nhập hàng không có hoá đơn GTGT mà chỉ có hoá đơn bán lẻ do đại lý cấp 1 cung cấp, đồng thời không có hợp đồng phân phối sản phẩm với công ty sản xuất sản phẩm hoặc đại lý cấp 1 nơi cung cấp sản phẩm. Khi cán bộ quản lý thị trường địa phương phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra của hàng rồi nói: cửa hàng phân phối nhưng không có hợp đồng với công ty hoặc đại lý cấp 1 để phân phối sản phẩm thì bị xử phạt 6 triệu đồng, không có chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hoá thì bị xử phạt 5 triệu đồng. Trong khi đó khi kinh doanh tôi đã thực hiện đầy đủ các thủ tục với địa phương như thuế môn bài, thuế kinh doanh hàng tháng tính theo phương thức khoán.

Vậy xin hỏi: cửa hàng tôi là bán lẻ có cần phải có Hợp đồng phân phối sản phẩm với công ty hoặc đại lý cấp 1 nơi cung cấp sản phẩm không? Tôi nhập hàng thì loại giấy tờ nào được sử dụng để chứng minh nguồn gốc hàng hoá?

Tôi xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Gia. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Hợp đồng phân phối hàng hóa được hiểu với ý nghĩa là một dạng hợp đồng" mua sỉ, bán lẻ". Hợp đồng phân phối hàng hóa được hiểu là sự thỏa thuận giữa nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp hàng hóa, theo đó nhà phân phối nhân danh chính mình mua hàng hóa của nhà cung cấp để bán lại. Nhà cung cấp hàng hóa có thể chấp thuận chỉ giao hàng hóa cho duy nhất một nhà phân phối trong khu vực đại lý xác định. Hợp đồng phân phối hàng hóa có thể được thể hiện dưới hình thức lời nói hoặc bằng văn bản. 

Như vậy hợp đồng phân phối hàng hóa có thể được thể hiện dưới hình thức lời nói. Do đó cửa hàng của bạn không cần thiết phải có hợp đồng bằng văn bản về việc phân phối hàng hóa. Việc cán bộ quản lý thị trường xử phạt cửa hàng của bạn là sai quy định.

Về vấn đề chứng minh nguồn gốc hàng hóa: để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp thì bạn phải thực hiện chứng minh nguồn gốc hàng hóa theo quy định của pháp luật, cụ thể:

Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và quy trình cấp cụ thể:

Giấy chứng nhận (GCN) xuất xứ hàng hóa (còn gọi là C/O): là văn bản do tổ chức thuộc quốc gia xuất khẩu hàng hoá cấp dựa trên những quy định và yêu cầu liên quan về xuất xứ, chỉ rõ nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá đó.

Cơ quan cấp GCN xuất xứ hàng hoá : Bộ Thương Mại, hoặc Bộ Thương Mại có thể ủy quyền cho Phòng Thương mại và Công nghiệp VN và các tổ chức thực hiện việc cấp C/O thực hiện. Trên thực tế, hiện nay Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) đang thực hiện việc cấp C/O cho các doanh nghiệp.
 

Về vấn đề xử phạt: Căn cứ vào Điều 21 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP có quy định như sau:

Điều 21. Hành vi vi phạm về kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng:

c) Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ;

2. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 1.000.000 đồng đến dưới 2.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng.

5. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng.

6. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng.

7. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng.

8. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 40.000.000 đồng.

9. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 40.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

10. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng.

11. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

12. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

13. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 12 Điều này đối với người sản xuất, nhập khẩu thực hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc hàng hóa vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Là lương thực, thực phẩm; phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc chữa bệnh cho người, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm;

b) Là chất tẩy rửa, diệt côn trùng, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi"

Như vậy nếu bạn không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của mình thì tùy vào mức độ vi phạm bạn sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 21( như trên) và bạn sẽ bị xử phạt gấp 2 lần mức tiền phạt do bạn vi phạm khi kinh doanh mặt hàng thuộc điểm b khoản 13 Điều 21 Nghị định 185/2013/NĐ-CP.

 

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hộ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư trực tuyến của chúng tôi để được giải đáp: ( Tổng đài luật sư trực tuyến 1900.6169 )

 

Trân trọng
P.Luật sư trực tuyến – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo