Phương Thúy

Hộ kinh doanh cá thể là gì? Đăng ký hộ kinh doanh thế nào?

Trong những năm qua, bên cạnh hệ thống doanh nghiệp thì hộ kinh doanh đã và đang phát huy được vai trò quan trọng của mình trong việc phát triển kinh tế, giải phóng lực lượng sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội. Hiện nay, pháp luật cho phép một cá nhân hoặc hộ gia đình có quyền được thành lập Hộ kinh doanh và phải chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh bằng toàn bộ tài sản của mình. Việc thành lập hộ kinh doanh phải đảm bảo đúng trình tự, thủ tục và đáp ứng những điều kiện về ngành nghề kinh doanh nhất định.

I. Khái niệm hộ kinh doanh

Khái niệm về “Hộ kinh doanh” trong Luật Doanh nghiệp 2020 không được nêu rõ tuy nhiên, theo Khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP có quy định: “Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.”

Như vậy, chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản, hộ kinh doanh do chính một cá nhân, một hộ gia đình hoặc một nhóm người làm chủ, hoạt động của hộ kinh doanh chủ yếu về lĩnh vực thương mại.

Hộ kinh doanh có một số đặc điểm pháp lý đáng lưu ý sau đây:

(i) Hộ kinh doanh do một cá nhân, một nhóm người hoặc một hộ gia đình làm chủ

(ii) Hộ kinh doanh thường kinh doanh với quy mô nhỏ

(iii) Chủ hộ kinh doanh chịu trách nhiệm vô hạn trong hoạt động kinh doanh

Nhìn chung, so với các hình thức kinh doanh thành lập doanh nghiệp khác, hộ kinh doanh là hình thức kinh doanh đơn giản hơn, quy mô nhỏ, nhìn chung khá dễ dàng cho tổ chức cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh. Luật Minh Gia đưa ra tình huống thực tế dưới đây để Quý khách hàng có thể tham khảo và hiểu rõ hơn về hình thức kinh doanh này.

II. Thủ tục thành lập hộ kinh doanh

Câu hỏi:

Kính chào Luật sư! Tôi có người em trai muốn thành lập Hộ kinh doanh cá thể, ngành nghề: buôn bán đồ gỗ (vd: bàn ghế, tủ, giường) + rượu thuốc ( rượu rắn, rượu sâm, rượu mật nhân...) do gia đình tự làm, tự bán, vậy cho tôi hỏi thủ tục thành lập thế nào? và đây có phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện không? mức đóng thuế môn bài như thế nào? Tôi xin chân thành cám ơn!

Giải đáp:

Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến Luật Minh Gia, liên quan đến việc thành lập hộ kinh doanh, Luật Minh Gia gửi đến bạn các nội dung tư vấn sau:

1. Thủ tục thành lập hộ kinh doanh

Trình tự, thủ tục thành lập Hộ kinh doanh được quy định tại Điều 87 Nghị định 01/2021 NĐ-CP về đăng ký thành lập doanh nghiệp. Theo đó, để thành lập Hộ kinh doanh thì em trai của bạn cần thực hiện các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ thành lập hộ kinh doanh

- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh theo mẫu III-1 tại Thông tư 01/2021 TT-BKHĐT về hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp;

- Giấy tờ pháp lý của cá nhân (CCCD,CMND, hộ chiếu) đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;

- Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;

- Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.

Bước 2: Nộp hồ sơ tại Cơ quan đăng ký kinh doanh

- Nơi tiếp nhận hồ sơ là cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh

- Thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh là 03 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

2. Ngành, nghề kinh doanh của Hộ kinh doanh

Theo thông tin mà bạn cung cấp thì ngành, nghề mà em trai của bạn có nhu cầu kinh doanh là buôn bán đồ gỗ và kinh doanh rượu.

Thứ nhất, quyền đăng ký ngành nghề kinh doanh

Buôn bán đồ gỗ không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện được liệt kê tại Phụ lục IV Luật đầu tư 2020 nên chỉ cần đăng ký hộ kinh doanh thì có quyền được thực hiện hoạt động này. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh thì Hộ kinh doanh phải tuân thủ các điều kiện về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Thứ hai, đối với hoạt động sản xuất rượu, bán lẻ rượu:

- Đối với hoạt động sản xuất rượu

Trường hợp em trai bạn sản xuất rượu mà không sử dụng máy móc, công nghệ thì thuộc trường hợp sản xuất rượu thủ công. Để tiến hành sản xuất rượu thì phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 9 Nghị định 105/2017 NĐ-CP về sản xuất kinh doanh rượu như sau:

“Điều 9. Điều kiện sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh

1. Là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật.

2. Bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm và ghi nhãn hàng hóa rượu theo quy định.”

Thủ tục xin cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh theo quy định tại Điều 20 Nghị định 105/2017 NĐ-CP về sản xuất kinh doanh rượu sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 17/2020 NĐ-CP, hồ sơ bao gồm:

+ Đơn đề nghị cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh;

+ Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;

+ Bản sao Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (đối với rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật); bản sao Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;

+ Bản liệt kê tên hàng hóa rượu kèm theo bản sao nhãn hàng hóa rượu mà hộ kinh doanh dự kiến sản xuất.

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ là Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.

- Đối với hoạt động bán lẻ rượu:

Khi được cấp Giấy chứng nhận sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh thì em trai của anh không phải tiến hành cấp Giấy phép bán lẻ rượu mà đương nhiên có quyền tiến hành hoạt động bán lẻ rượu theo quy định tại Điều 16 Nghị định 105/2017 NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 17/2020 NĐ-CP về sản xuất kinh doanh rượu:

“Điều 16. Quyền và nghĩa vụ của thương nhân sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh

1. Được bán rượu do mình sản xuất cho các thương nhân có Giấy phép phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ và thương nhân mua rượu để xuất khẩu.

2. Được trực tiếp bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ đối với rượu do mình sản xuất tại các địa điểm kinh doanh của thương nhân.

3. Chịu trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất rượu của mình.

4. Thực hiện chế độ báo cáo và các nghĩa vụ khác theo quy định tại Nghị định này.

5. Được mua rượu của hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công để chế biến lại.”

Như vậy, để tiến hành hoạt động sản xuất và bán rượu thủ công thì em trai của bạn phải tiến hành hoạt động đăng ký Hộ kinh doanh và đăng ký cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh theo hướng dẫn nêu trên.

3. Thuế môn bài của hộ kinh doanh

Căn cứ Thông tư 65/2020 TT-BTC sửa đổi Thông tư 302/2016 TT-BTC hướng dẫn về lệ phí môn bài thì lệ phí môn bài của hộ kinh doanh được xác định như sau:

-  Đối với Hộ kinh doanh có thu nhập dưới 100 triệu/ năm thì được miễn lệ phí môn bài;

-  Đối với Hộ kinh doanh có thu nhập trên 100 triệu đến 300 triệu/năm là 300.000 đồng/năm;

-  Đối với Hộ kinh doanh có thu nhập trên 300 triệu đến 500 triệu/năm là 500.000 đồng/năm;

-  Đối với Hộ kinh doanh có thu nhập trên 500 triệu là 1.000.000 đồng/năm.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo