Quyền tác giả là gì? Nội dung quyền tác giả quy định thế nào?
Mục lục bài viết
1. Khái niệm về quyền tác giả
Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra toàn bộ hoặc một phần nội dung của các tác phẩm văn học, khoa học, nghệ thuận như sách, thơ, kịch, bài hát, chương trình phần mềm máy tính… Có thể nói, tác phẩm chính là sản phẩm của công sức lao động chăm chỉ, miệt mài của tác giả. Tác giả là người khai sinh ra tác phẩm nên đương nhiên sẽ có các quyền nhất định đối với tác phẩm của mình. Quyền của tác giả đối với tác phẩm được gọi là “quyền tác giả”.
Quyền tác giả là một trong các nhóm quyền sở hữu trí tuệ. Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi năm 2009 (Sau đây gọi tắt là “Luật SHTT”), quyền tác giả được giải thích là “quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.”
Theo quy định trên, không chỉ riêng tác giả mà các tổ chức, cá nhân khác cũng có thể là chủ thể của quyền tác giả nếu các tổ chức, cá nhân này là chủ sở hữu quyền tác giả. Ví dụ, Công ty TNHH X giao nhiệm vụ cho nhân viên A lập trình một chương trình phần mềm máy tính thì trường hợp này nhân viên A là tác giả, công ty TNHH X là chủ sở hữu quyền tác giả.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật SHTT, quyền tác gỉả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Như vậy, quyền tác giả được tự động bảo hộ mà không cần phải đăng ký bản quyền tác giả.
2. Nội dung quyền tác giả
Theo quy định tại Luật SHTT, quyền tác giả đối với tác phẩm bao gồm: (i) Quyền nhân thân và (ii) Quyền tài sản
2.1. Quyền nhân thân
Quyền nhân thân của tác giả đối với tác phẩm là những quyền gắn với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, bao gồm các quyền sau:
- Đặt tên cho tác phẩm;
- Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
- Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
- Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Về nguyên tắc, các quyền nhân thân chỉ thuộc về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả mà không thể chuyển giao cho các chủ thể khác. Tuy nhiên, pháp luật cũng có ngoại lệ, tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả có thể chuyển giao quyền công bố tác phẩm cho chủ thể khác. Trong các quyền nhân thân, quyền “Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả” là quyền quan trọng nhất và trên thực tế nó cũng thường bị xâm phạm nhiều nhất.
2.2. Quyền tài sản
Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây:
- Làm tác phẩm phái sinh;
- Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
- Sao chép tác phẩm;
- Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
- Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
- Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
Các quyền đã liệt kê phía trên do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện theo thỏa thuận và quy định pháp luật. Tổ chức, cá nhân khi thác thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền trên phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.
Đố với các trường hợp sủ dụng tác phẩm đã công bố để nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy; trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu…được quy định tại Điều 25 Luật SHTT thì không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao.
3. Đối tượng được bảo hộ quyền tác giả
Theo quy định tại Luật SHTT, không phải mọi loại hình tác phẩm được tồn tại dưới dạng vật chất đều được bảo hộ quyền tác giả. Danh mục tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:
- Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
- Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
- Tác phẩm báo chí; Tác phẩm âm nhạc; Tác phẩm sân khấu;
- Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);
- Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;
- Tác phẩm nhiếp ảnh;
- Tác phẩm kiến trúc;
- Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;
- Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;
- Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.
Các tác phẩm phái sinh thì chỉ được bảo hộ nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.
4. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả
Theo quy định tại Điều 27 Luật SHTT, các quyền nhân thân của quyền tác giả được bảo hộ vô thời hạn, trừ quyền công bố tác phẩm. Các quyền tài sản của quyền tác giả và quyền công bố tác phẩm được bảo hộ có thời hạn, cụ thể như sau:
- Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là 75 năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên. Đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn 25 năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là 100 năm, kể từ khi tác phẩm được định hình.
- Tác phẩm không thuộc loại hình trên và tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả xuất hiện thì có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết. Trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất