Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Biên bản gi nhớ là gì? Giá trị pháp lý của biên bản ghi nhớ?

Em muốn hỏi luật sư: Công ty em có đàm phán và đã ký biên bản ghi nhớ với công ty ABC về việc sẽ bán lô hàng 100 triệu đồng. Giờ công ty em yêu cầu phải đẩy nhanh việc ký kết hợp đồng với công ty ABC, nhưng với điều kiện hiện nay thì việc ký kết hợp đồng là không được vì bên kia cũng chưa có đủ hàng và công ty em cũng chư có đủ tài chính. Vậy em muốn hỏi luật sư:

1. Biên bản ghi nhớ đã ký nó có giá trị pháp lý hay không? Điều luật nào quy định và nó có phát sinh nghĩ vụ đối với bên kia khi không hiện biên bản ghi nhớ không?

2. Nếu ký hợp đồng thì các điều khoản, nội dung đã thỏa thuận có được trái với biên bản thỏa thuận không? Hiêu lực, mối liên hệ giũa hợp đồng và biên bản ghi nhớ trước đó là như thế nào.

Em mong nhận được sự tư vấn của luật sư.  cảm ơn và kính chào luật sư!

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến chuyên mục tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Gia, về vấn đề của bạn. Chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Thứ nhất, về vấn đề hiệu lực của biên bản ghi nhớ:

Biên bản ghi nhớ (tên viết tắt MOU) là văn bản thể hiện sự thỏa thuận (mutual accord) về một vấn đề (issuae) giữa hai hoặc nhiều bên. Biên bản ghi nhớ thường được coi là có tính ràng buộc, ngay cả khi các quyền và nghĩa vụ nêu ra trong biên bản ghi nhớ không đặt trên cơ sở một tuyên bố pháp lý cụ thể nào. Để có hiệu lực pháp lý thì một biên bản ghi nhớ phải:

1. Xác định được các bên tham gia vào giao ước;

2. Nêu ra nội dung và mục đích;

3. Tóm tắt các điều khoản của thỏa thuận giao ước;

4. Có đầy đủ chữ ký của các bên liên quan.

Hiện tại thì vẫn chưa có điều khoản cụ thể nào quy định về hiệu lực pháp lý của biên bản ghi nhớ. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tiễn áp dụng trong thực tế, khi các bên tham gia ký kết biên bản ghi nhớ thì chỉ cần đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, biên bản ghi nhớ sẽ có giá trị pháp lý như hợp đồng và vẫn được coi là chứng cứ khi kiện cáo.

Vì thế, các quy định trong biên bản ghi nhớ vẫn làm phát sinh nghĩa vụ ràng buộc giữa các bên tham gia và các bên phải có nghĩa vụ thực hiện.

Thứ hai, về mối liên hệ giữa hợp đồng và biên bản ghi nhớ

Các bên đàm phán có thể ký kết với nhau một hoặc nhiều thỏa thuận nhằm mục đích lập kế hoạch đàm phán, xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên thống nhất hoặc ghi nhận những nguyên tắc cơ bản cho việc đàm phán và ký kết các hợp đồng cụ thể về sau. 

Thông thường, bản hợp đồng sẽ quy định cụ thể, chi tiết hơn các nội dung thỏa thuận chính mà các bên đã ký kết trong biên bản ghi nhớ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nếu các bên có thỏa thuận khác và cùng đồng ý thay đổi điều khoản của biên bản ghi nhớ. Sự thay đổi này không làm phương hại đến lợi ích của các bên, hay bất kỳ bên thứ ba nào khác. Cũng như không trái với quy định của pháp luật thì các bên vẫn có quyền thay đổi nội dung của biên bản ghi nhớ.

Tuy nhiên, sự thay đổi này phải được chú thích rõ trong bản hợp đồng ký kết sau cùng, để tránh gây nhầm lẫn, khó khăn trong việc giải quyết khi thực hiện hay có tranh chấp phát sinh.

Và thông thường việc ký kết hợp đồng cuối cùng sẽ làm cho một số biên bản ghi nhớ đương nhiên hết hiệu lực.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn