Cà Thị Phương

Doanh nghiệp chưa hoạt động muốn giải thể thì phải làm thế nào?

Công ty tôi được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh được 7 tháng. Tuy nhiên, trong thời gian qua do công ty chưa hoạt động nên công ty không có thực hiện kê khai thuế. Bây giờ công ty muốn giải thể thì cần làm những thủ tục gì? và phải nộp phạt thuế là bao nhiêu? Công ty tôi là công ty TNHH 2 thành viên trở lên, người đại diện theo pháp luật đang nắm 40% vốn điêu lệ nhưng đang bỏ trốn để trốn tránh trách nhiệm. Vậy 2 thành viên còn lại có giải thể công ty được không? Mong luật sư tư vấn.

 

Câu hỏi tư vấn: Kính chào quý công ty.Tôi hiện nay đang góp 30% cho công ty TNHH 2 thành viên, công ty của tôi từ lúc thành lập và được cấp phép hoạt động tới giờ là 7 tháng, nhưng vì một số lý do về vốn nên công ty chưa thuê được trụ sở chính và chưa hoạt động, nhưng chúng tôi không nộp hoá đơn kê khai thuế hàng tháng và cũng chưa có văn bản gửi lên các cơ quan pháp lý để thông báo ngưng hoạt động. Quý công ty cho tôi hỏi hiện nay tôi đang muốn làm thủ tục giải thể công ty thì tôi cần những điều kiện gì, và tôi phải chịu những mức phạt như thế nào đối với cơ quan thuế. Hiện này công ty tôi gồm 3 thành viên góp vốn và thành viên nắm giữ 40% vốn góp là người đại diện pháp luật, người này đang bỏ trốn và trốn tránh trách nhiệm, người nắm giữ 30% còn lại đồng ý giải thể công ty. Cảm ơn quý công ty đã tư vấn.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về điều kiện giải thể doanh nghiệp

 

Căn cứ Khoản 2 Điều 201 Luật doanh nghiệp 2014 quy định về điều kiện giải thế công ty như sau:

 

“2. Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp”.

 

Như vậy, công ty bạn muốn giải thể thì phải đáp ứng đủ các điều kiện:

 

- Thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản

 

-Tại thời điểm giải thể không có tranh chấp gì tại Tòa án hay cơ quan trọng tài

 

Thứ hai, về thủ tục, hồ sơ giải thể doanh nghiệp

 

Trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 202 Luật doanh nghiệp 2014, Điều 59 Nghị định 78/2015/NĐ-CP như sau:

 

- Thông qua quyết định giải thể doanh nghiệp. Quyết định giải thể doanh nghiệp phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

 

+ Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;

 

+ Lý do giải thể;

 

+ Thời hạn, thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp; thời hạn thanh toán nợ, thanh lý hợp đồng không được vượt quá 06 tháng, kể từ ngày thông qua quyết định giải thể;

 

+ Phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động;

 

+ Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

 

- Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày thông qua quyết định giải thể, doanh nghiệp gửi thông báo về việc giải thể đến Phòng Đăng kýkinh doanh. Kèm theo thông báo phải có quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; Báo cáo thanh lý tài sản doanh nghiệp; danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, gồm cả thanh toán hết các khoản nợ về thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, người lao động sau khi quyết định giải thể doanh nghiệp (nếu có); Con dấu và giấy chứng nhận mẫu dấu (nếu có); Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

 

- Sau khi nhận được hồ sơ giải thể của doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông tin về việc doanh nghiệp đăng ký giải thể cho cơ quan thuế. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin của Phòng Đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế gửi ý kiến về việc giải thể của doanh nghiệp đến Phòng đăng ký kinh doanh.

 

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ giải thể, Phòng Đăng ký kinh doanh chuyển tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng giải thể nếu không nhận được ý kiến từ chối của cơ quan thuế, đồng thời ra Thông báo về việc giải thể của doanh nghiệp.

 

Hồ sơ giải thể công ty TNHH 2 thành viên trở lên gồm:

 

+ Thông báo về việc giải thể Công ty TNHH 2 thành viên trở lên (theo mẫu);

 

+ Biên bản họp và Quyết định của Hội đồng thành viên về việc giải thể doanh nghiệp.

 

+ Danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, gồm cả thanh toán các khoản nợ về thuế và nợ bảo hiểm xã hội (nếu có)

 

+ Danh sách người lao động hiện có và quyền lợi người lao động đã được giải quyết (nếu có)

 

+ Xác nhận của Ngân hàng nơi Công ty mở tài khoản về việc doanh nghiệp đã tất toán tài khoản (trường hợp chưa mở tài khoản tại Ngân hàng, thì có văn cam kết chưa mở tài khoản và không nợ tại bất kỳ Ngân hàng, tổ chức cá nhân nào);

 

+ Giấy tờ chứng minh doanh nghiệp đã đăng bố cáo giải thể theo quy định;

 

+ Thông báo của Cơ quan Thuế về việc đóng mã số thuế (trường hợp chưa đăng ký thuế thì phải có văn bản xác nhận của Cơ quan Thuế);

 

+ Giấy chứng nhận của Cơ quan công an về việc doanh nghiệp đã nộp, huỷ con dấu theo quy định (trường hợp chưa khắc con dấu thì phải có văn bản xác nhận của Cơ quan Công an);

 

+ Báo cáo về việc thực hiện thủ tục giải thể, trong đó có cam kết đã thanh toán hết các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, giải quyết các quyền lợi hợp pháp của người lao động (các khoản nợ của doanh nghiệp được thanh toán theo thứ tự:

 

1. Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;

 

2. Nợ thuế và các khoản nợ khác sau khi đã thanh toán hết các khoản nợ và chi phí giải thể doanh nghiệp.

 

+ Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế.

 

Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

 

Theo đó, sau khi đã soạn thảo các văn bản theo luật định có thể tiến hành các bước sau:

 

Bước 1: Quyết toán với cơ quan thuế; khóa mã số thuế và tiến hành trả dấu tại Cơ quan công an tỉnh/ thành phố

 

Bước 2: Nộp hồ sơ, lệ phí tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả Sở Kế hoạch và Đầu tư

 

Bước 3: Phòng Đăng ký kinh doanh thẩm định, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, hoàn thiện Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

 

Bước 4: Nhận kết quả tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả – Sở Kế hoạch và Đầu tư.

 

Thứ ba, người đại diện theo pháp luật của công ty TNHH 2 thành viên bỏ trốn thì có giải thể doanh nghiệp được không?

 

Căn cứ tại Khoản 2 Điều 58 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về quyền, nghĩa vụ của Hội đồng thành viên như sau: 

 

“m) Quyết định giải thể hoặc yêu cầu phá sản công ty”.

 

Như vậy, nếu công ty bạn muốn giải thể thì phải dựa trên quyết định của Hội đồng thành viên. 

 

Quyết định về giải thể công ty được thông qua theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 60 Luật Doanh nghiệp 2014:

 

“Điều 60. Nghị quyết của Hội đồng thành viên

...

3. Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác, nghị quyết của Hội đồng thành viên được thông qua tại cuộc họp trong các trường hợp sau đây:

 

a) Được số phiếu đại diện ít nhất 65% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp tán thành, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;”

 

Theo thông tin bạn cung cấp thì hiện người đại diện theo pháp luật của công ty bạn đang nắm giữ 40% vốn điều lệ, 2 thành viên còn lại chiếm 60% đồng ý giải thể. Tuy nhiên, theo qui định trên thì trong trường hợp khi muốn giải thể doanh nghiệp, thì công ty bạn tiến hành triệu tập Hội đồng thành viên quyết định về vấn đề giải thể công ty, quyết định này phải được 65% tổng số vốn góp của các thành viên thông qua trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác. Do đó, nếu công ty bạn không có qui định khác về tỷ lệ % số phiếu tán thành của thành viên tham dự họp thì công ty bạn cần liên hệ với thành viên còn lại để cùng nhau giải quyết các vấn đề của công ty.

 

Thứ tư, các mức phạt khi chậm nộp hồ sơ khai thuế và báo cáo tài chính.

 

Điều 8 Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp như sau:

 

“2. Tổ chức công tác kế toán, lập và nộp báo cáo tài chính trung thực, chính xác, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê.

 

3. Kê khai thuế, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật”.

 

Vì vậy, kể từ ngày công ty của bạn được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì dù công ty bạn chưa phát sinh hoạt động kinh doanh thì công ty bạn vẫn phải có nghĩa vụ nộp tờ khai và đóng thuế môn bài và nộp tờ khai các loại thuế khác theo đúng thời hạn pháp luật qui định. Theo thông tin bạn cung cấp thì sau khi thành lập công ty bạn chưa thực hiện bất cứ thủ tục nào với cơ quan thuế. Do đó, công ty bạn có thể bị xử phạt đối với các hành vi sau:

 

a, Xử phạt đối với hành vi nộp chậm tờ khai lệ phí môn bài

 

“1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ đăng ký thuế hoặc thông báo thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế cho cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 10 ngày mà có tình tiết giảm nhẹ.

 

2. Phạt tiền 700.000 đồng, nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt tối thiểu không thấp hơn 400.000 đồng hoặc có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt tối đa không quá 1.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ đăng ký thuế hoặc thông báo thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế cho cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 30 ngày (trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này).

 

3. Phạt tiền 1.400.000 đồng, nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt tối thiểu không thấp hơn 800.000 đồng hoặc có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt tối đa không quá 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

 

a) Nộp hồ sơ đăng ký thuế hoặc thông báo thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế quá thời hạn quy định trên 30 ngày.

 

b) Không thông báo thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế.

 

c) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp”.

 

(Điều 7 thông tư 166/2013/TT-BTC)

 

Công ty bạn cần xác định được thời hạn nộp tờ khai, để biết được số ngày chậm nộp Tờ khai thuế. Số ngày chậm nộp sẽ được tính từ ngày liền kề sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp tờ khai để đối chiếu với qui định trên để xác định được mức phạt mà công ty bạn phải nộp cho cơ quan thuế.

 

Mức phạt nộp chậm tiền thuế được tính như sau:

 

“Đối với khoản tiền thuế nợ phát sinh từ ngày 01/7/2016 thì tiền chậm nộp được tính theo mức 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp”. Cụ thể:

 

Số tiền phạt = Số tiền nộp chậm x 0,03 x Số ngày nộp chậm.

 

(Thông tư 130/2016/TT-BTC)

 

b, Xử phạt hành vi vi phạm quy định về nộp và công khai báo cáo tài chính

 

Nghị định số 41/2018/NĐ-CP  qui định về mức xử phạt vi phạm báo cáo về tài chính như sau:

 

+ Mức phạt Không nộp báo cáo tài chính

 

“Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

 

a) Không nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

 

b) Không công khai báo cáo tài chính theo quy định

 

(Theo Khoản 4,Điều 12)

 

+ Mức phạt chậm nộp báo cáo tài chính

 

“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

 

a) Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm dưới 03 tháng so với thời hạn quy định;

 

b) Công khai báo cáo tài chính chậm dưới 03 tháng so với thời hạn quy định.

 

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

 

a) Công khai báo cáo tài chính không đầy đủ nội dung theo quy định;

 

b) Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền không đính kèm báo cáo kiểm toán đối với các trường hợp mà pháp luật quy định phải kiểm toán báo cáo tài chính;

 

c) Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm từ 03 tháng trở lên so với thời hạn quy định;

 

d) Công khai báo cáo tài chính không kèm theo báo cáo kiểm toán đối với các trường hợp mà pháp luật yêu cầu phải kiểm toán báo cáo tài chính;

 

đ) Công khai báo cáo tài chính chậm từ 03 tháng trở lên so với thời hạn quy định”.

 

(Theo khoản 1,2, Điều 12)

 

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo