Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Có thể rút vốn góp trong công ty cổ phần theo hình thức nào?

Tôi có hợp tác kinh doanh với một Trung tâm ngoại ngữ theo hình thức mua lại cổ phần của công ty (40%). Ngoài số tiền mua cổ phần nói trên, tôi và đối tác cùng thỏa thuận bỏ ra số tiền theo tỉ lệ tương ứng (60% & 40%) để có vốn điều hành.


Sau 02 năm hợp tác, bây giờ tôi muốn rút lui khỏi hoạt động hợp tác kinh doanh này vì quá bận (tôi đang làm việc toàn thời gian tại 1 đơn vị khác, TT ngoại ngữ chỉ tham gia quản lý bán thời gian). Vậy nhờ luật sư tư vấn giúp tôi phương án giải quyết trong việc rút lui này. Cụ thể như sau:

1. Hiện tại tôi chưa tìm được người mua lại cổ phần của mình. Vậy tôi có thể rút số tiền đóng góp để điều hành Trung tâm trước có được không?

2. Vì lợi nhuận Trung tâm được phân chia theo Quý, tôi có được hưởng lợi nhuận theo tỉ lệ đã mua cổ phần sau khi không tham gia quản lý và đã rút vốn góp vốn để vận hành trung tâm?
 
Có thể rút vốn góp trong công ty cổ phần theo hình thức nào?
Công ty cổ phần
 
Trả lời: Cảm ơn anh đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của anh chúng tôi tư vấn như sau:
 
Thứ nhất, về việc rút vốn khỏi công ty cổ phần

Theo quy định tại Luật doanh nghiệp 2014 thì ngoài trường hợp chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác theo quy định tại điều 126 Luật doanh nghiệp 2014 thì anh có thể rút vốn khỏi công ty cổ phần theo quy định tại điều 129 hoặc điều 130 Luật doanh nghiệp 2014.
 
- Nếu như anh là cổ đông có quyền biểu quyết của công ty (có cổ phần ưu đãi biểu quyết hoặc cổ phần phổ thông) thì anh có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình theo điều kiện quy định tại điều 129 Luật doanh nghiệp 2014:

 “Điều 129. Mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông

1. Cổ đông biểu quyết phản đối nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình. Yêu cầu phải bằng văn bản, trong đó nêu rõ tên, địa chỉ của cổ đông, số lượng cổ phần từng loại, giá dự định bán, lý do yêu cầu công ty mua lại. Yêu cầu phải được gửi đến công ty trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết về các vấn đề quy định tại khoản này.

2. Công ty phải mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông quy định tại khoản 1 Điều này với giá thị trường hoặc giá được tính theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trường hợp không thỏa thuận được về giá thì các bên có thể yêu cầu một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Công ty giới thiệu ít nhất 03 tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp để cổ đông lựa chọn và lựa chọn đó là quyết định cuối cùng”.


- Nếu như công ty có quyết định mua lại cổ phần của cổ đông công ty thì anh có thể chào bán cổ phần của mình theo quy định tại điều 130 Luật doanh nghiệp 2014:

“Điều 130. Mua lại cổ phần theo quyết định của công ty

3. Công ty có thể mua lại cổ phần của từng cổ đông tương ứng với tỷ lệ cổ phần của họ trong công ty. Trường hợp này, quyết định mua lại cổ phần của công ty phải được thông báo bằng phương thức bảo đảm đến được tất cả cổ đông trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày quyết định đó được thông qua. Thông báo phải có tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty, tổng số cổ phần và loại cổ phần được mua lại, giá mua lại hoặc nguyên tắc định giá mua lại, thủ tục và thời hạn thanh toán, thủ tục và thời hạn để cổ đông chào bán cổ phần của họ cho công ty.

Cổ đông đồng ý bán lại cổ phần phải gửi chào bán cổ phần của mình bằng phương thức bảo đảm đến được công ty trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo. Chào bán phải có họ, tên, địa chỉ thường trú, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số quyết định thành lập, địa chỉ trụ sở chính của cổ đông là tổ chức; sổ cổ phần sở hữu và số cổ phần chào bán; phương thức thanh toán; chữ ký của cổ đông hoặc người đại diện theo pháp luật của cổ đông. Công ty chỉ mua lại cổ phần được chào bán trong thời hạn nói trên”.


Trong cả 2 trường hợp trên công ty chỉ được thanh toán cổ phần cho cổ đông theo quy định tại điều 131 Luật doanh nghiệp 2014:

“Điều 131. Điều kiện thanh toán và xử lý các cổ phần được mua lại

1. Công ty chỉ được quyền thanh toán cổ phần được mua lại cho cổ đông theo quy định tại Điều 129 và Điều 130 của Luật này nếu ngay sau khi thanh toán hết số cổ phần được mua lại, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác”.


Thứ hai, về lợi nhuận anh được hưởng công ty sau khi đã rút vốn

Sau khi đã bán lại cổ phần đương nhiên anh không còn là cổ đông cuả công ty. Khi đó việc hưởng lợi nhuận của anh sẽ được quy định cụ thể trong điều lệ của công ty hoặc theo quyết định của Hội đồng quản trị trong công ty cổ phần.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Có thể rút vốn góp trong công ty cổ phần theo hình thức nào?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!     
Luật gia: Việt Dũng - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo