Nguyễn Văn Cảnh

Cổ đông sáng lập có được chuyển nhượng cổ phần trước thời hạn 3 năm không?

Luật sư tư vấn về vấn đề muốn rút vốn ra khỏi công ty cổ phần trong thời gian công ty chưa hoạt động được ba năm. Nội dung tư vấn như sau:

  

Nội dung câu hỏi: Kính chào Luật sư Minh Gia. Tôi có một câu hỏi, rất mong được Luật sư tư vấn giúp ạ. Công ty tôi được thành lập cách  đây 2 năm 8 tháng, hình thức công ty cổ phần với các thành viên: Tôi 39%; anh T 10%  và 1 công ty CP A 51 % ( do a T làm chủ tịch kiêm giám đốc). Người đại diện cho công ty CP A tại công ty tôi là anh T. Tôi là giám đốc và là người đại diện pháp luật, a T là chủ tịch HĐQT của công ty tôi.   

 

Hiện nay tôi muốn thôi giữ chức Giám đốc muốn rút khỏi đồng sở hữu công ty, trao đổi với a T nhưng a T không đồng ý. Cho tôi hỏi, tôi làm như thế nào để thôi giữ chức giám đốc và rút đồng sở hữu công ty nếu như hội đồng quản trị không đồng ý. Rất mong được luật sư tư vấn. Chân thành cảm ơn

 

Trả lời: Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của anh chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo quy định của luật doanh nghiệp về thẩm quyền của Hội đồng quản trị công ty cổ phần quy định như sau:

 

“Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị; bổ nhiệm, miễn nhiệm, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý quan trọng khác do Điều lệ công ty quy định; quyết định, tiền lương và quyền lợi khác của những người quản lý đó; cử người đại diện theo ủy quyền tham gia Hội đồng thành viên hoặc Đại hội đồng cổ đông ở công ty khác, quyết định mức thù lao và quyền lợi khác của những người đó;”

 

Căn cứ theo quy định của luật Doanh nghiệp thì việc miễn nhiệm chức danh giám đốc là thẩm quyền của Hội đồng quản trị, vì vậy nếu anh muốn không giữ chức danh giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty thì phải có quyết định miễn nhiệm của Hội đồng quản trị công ty.

 

Căn cứ Điều 153 Luật doanh nghiệp về cuộc họp hội đồng quản trị có quy định như sau:

 

2. Hội đồng quản trị có thể họp định kỳ hoặc bất thường. Hội đồng quản trị họp tại trụ sở chính của công ty hoặc ở nơi khác.

 

3. Cuộc họp của Hội đồng quản trị do Chủ tịch Hội đồng quản trị triệu tập khi xét thấy cần thiết, nhưng mỗi quý phải họp ít nhất một lần.

 

4. Chủ tịch Hội đồng quản trị phải triệu tập họp Hội đồng quản trị khi có một trong các trường hợp sau đây:

 

a) Có đề nghị của Ban kiểm soát hoặc thành viên độc lập;

 

b) Có đề nghị của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc hoặc ít nhất 05 người quản lý khác;

 

c) Có đề nghị của ít nhất 02 thành viên điều hành của Hội đồng quản trị;

 

d) Các trường hợp khác do Điều lệ công ty quy định.

 

Đề nghị phải được lập thành văn bản, trong đó nêu rõ mục đích, vấn đề cần thảo luận và quyết định thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị.

 

5. Chủ tịch Hội đồng quản trị phải triệu tập họp Hội đồng quản trị trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị quy định tại khoản 4 Điều này. Trường hợp Chủ tịch không triệu tập họp Hội đồng quản trị theo đề nghị thì Chủ tịch phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại xảy ra đối với công ty; người đề nghị có quyền thay thế Hội đồng quản trị triệu tập họp Hội đồng quản trị.

 

Đầu tiên bạn hoặc những người khác theo quy định tại khoản 4 Điều 153 sẽ đề nghị Chủ tịch Hội đồng quản trị triệu tập cuộc họp, sau 07 ngày làm việc mà không triệu tập thì anh có quyền triệu tập cuộc họp Hội đồng quản trị với tư cách là Giám đốc công ty.  Cuộc họp chỉ được tiến hành khi đáp ứng được điều kiện theo quy định tại khoản 8-Điều 153: Phải có ít nhất 3/4 tổng số thành viên Hội đồng quản trị dự họp, nếu không đáp ứng được thì có quyền triệu tập lần 2 trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày triệu tập lần 1. Trong trường hợp này cuộc họp sẽ được tiến hành khi có hơn một nửa số thành viên Hội đồng quản trị tham gia.

 

Về việc anh muốn rút vốn khỏi công ty, theo quy định của Luật doanh nghiệp, anh không được rút vốn ra khỏi công ty mà chỉ có thể chuyển nhượng cổ phần để không còn là cổ đông của công ty nữa. Theo thông tin mà anh cung cấp thì anh là một trong ba cổ đông sáng lập của công ty. Theo quy định của pháp luật về cổ đông sáng lập trong công ty cổ phần, Điều 119 quy định như sau:

 

 “Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó.”

 

Như vậy, nếu muốn chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông khác hoặc cá nhân, tổ chức khác thì anh phải được sự đồng ý của đại hội đồng cổ đông. Trong trường hợp của anh, anh có thể chuyển nhượng cổ phần của mình cho anh T hoặc công ty cổ phần A là đồng cổ đông sáng lập để không còn là cổ đông của công ty. Nếu anh T và công ty cổ phần A không đồng ý thì anh không được quyền chuyển nhượng cho người khác.

 

Để có thể tự do chuyển nhượng cổ phần cho người khác công ty phải hoạt động được tối thiểu 3 năm, sau 3 năm thì anh có thể chuyển quyền sở hữu cổ phần tự do cho người khác không phải là cổ đông sáng lập công ty và không phải có sự đồng ý của Đại hội đồng cổ đông.

 

Trân trọng!

Phòng Luật sư tư vấn Doanh nghiệp - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo