Nguyễn Nhàn

Quản trị rủi ro là gì? Vai trò của quản lý rủi ro tài chính?

Cuộc sống của mỗi chúng ta được ví như là dòng chảy không ngừng vận động và quá trình vận động đó luôn tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro nhất định trong mọi hoạt động hằng ngày của con người như: Ăn, ở, đi lại, vui chơi giải trí hoặc kinh doanh,... Những rủi ro đó có thể là những rủi ro đã được dự liệu trước hoặc phát sinh bất ngờ. Nhưng dù có được dự liệu trước hay không thì rủi ro đều mang đến những hậu quả mà con người không mong muốn với các mức độ khác nhau. Do đó, điều cần thiết của con người là phải trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng và tinh thần để đương đầu với rủi ro, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước những rủi ro phát sinh trên thực tế.

Vì vậy, thông qua bài viết này, Công ty Luật Minh Gia mong rằng sẽ đem đến cho quý khách hàng các nhìn nhận sơ bộ về quản trị rủi ro và vai trò của quản lý rủi ro trong lĩnh vực tài chính.

1. Quản trị rủi ro là gì?

Để tìm hiểu về quản trị rủi ro, trước tiên ta cần xem xét “rủi ro” là gì? Theo một nghĩa đơn giản và thông dụng nhất, có thể hiểu rủi ro chính là sự không may mắn, sự tổn thất, mất mát, nguy hiểm bất ngờ xảy đến đối với con người trong mọi mặt của cuộc sống.

Bởi vì những rủi ro này đều đến trong một tình trạng bất ngờ và không mong muốn nên để giảm bớt các thiệt hại do rủi ro đem lại, con người cần phải dự liệu trước các khả năng phát sinh rủi ro và đề ra phương án quản trị rủi ro phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh.

Hiện nay có khá nhiều quan điểm khác nhau về quản trị rủi ro của các nhà khoa học trên thế giới và trong nước. Trong đó, quan niệm dễ hiểu và thông dụng nhất về quản trị rủi ro chính là: Quản trị rủi ro là quá trình tiếp cận rủi ro một cách khoa học và có hệ thống nhằm nhận dạng, kiểm soát, phòng ngừa và giảm thiểu những tổn thất, mất mát, những ảnh hưởng bất lợi của rủi ro.”

2. Vai trò của quản lý rủi ro tài chính

Tài chính là một trong những vấn đề gắn bó mật thiết với đời sống con người; đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu trong việc đảm bảo cuộc sống cho con người. Tuy nhiên, đây cũng là môi trường tiềm ẩn những rủi ro lớn, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống bình thường của mỗi người nói riêng và mỗi gia đình nói chung.

Chính vì vậy, chúng ta cần phải đặc biệt quan tâm và trú trọng hơn nữa đến các vai trò của quản lý rủi ro tài chính để phần nào bảo vệ cho bản thân và gia đình trước những rủi ro phát sinh. Xuất phát từ vai trò chung của quản trị rủi ro, quản trị rủi ro tài chính có các vai trò như sau:

Vai trò của quản lý rủi ro tài chính đối với cá nhân và hộ gia đình:

- Giúp các hộ gia đình chống lại các tổn thất, cho phép họ tiếp tục sống và duy trì thói quen của mình trước sự đe dọa hay phá hủy của rủi ro tài chính mang lại;

- Làm cho các thành viên trong gia đình yên tâm hơn;

- Góp phần bảo đảm sự ổn định về tài chính cho các hộ gia đình thông qua hình thức tiết kiệm, tích trữ hoặc bảo hiểm;

Vai trò của quản trị rủi ro tài chính đối với doanh nghiệp:

- Đem lại sự yên tâm cho chủ sở hữu, người quản lý, điều hành doanh nghiệp trước các nguy cơ rủi ro;

- Giúp doanh nghiệp, tổ chức đáp ứng các yêu cầu bắt buộc của các cơ quan quản lý hoặc pháp luật;

- Quản trị rủi ro tài chính giúp doanh nghiệp tránh tình trạng duy trì những phương án sai lầm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh có thể dẫn đến nguy cơ phá sản;

- Các chương trình quản trị rủi ro nói chung và quản trị rủi ro về tài chính nói riêng không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà nó còn duy trì lợi ích ổn định cho người lao động và giúp doanh nghiệp làm tròn nghĩa vụ của mình đối với xã hội;

- Việc quản trị rủi ro tài chính tốt sẽ góp phần đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển lớn mạnh hơn, giúp các doanh nghiệp có thể xây dựng hình ảnh của họ trong xã hội với vị thế vững chắc hơn;

- Đồng thời, việc quản trị rủi ro tài chính còn góp phần cải thiện lợi nhuận và giảm thiểu chi phí cho các doanh nghiệp.

Vai trò của quản trị rủi ro tài chính đối với xã hội có thể kể đến các khía cạnh sau đây:

- Góp phần đảm bảo an toàn xã hội trước những nguy cơ rủi ro có thể xảy ra; từ đó thúc đẩy xã hội ngày càng phát triển hơn, văn minh hơn, hiện đại hơn;

- Góp phần giảm thiểu các chi phí ngân sách sử dụng để hỗ trợ, để khắc phục các rủi ro tài chính xảy đến đối với nhân dân,…

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn