Luật sư Dương Châm

Cán bộ là gì? Phân loại cán bộ công chức như thế nào?

Cán bộ, công chức là một mắt xích quan trọng, không thể thiếu của nền hành chính nhà nước, là chủ thể quan trọng trong quá trình cải cách hành chính. Đội ngũ này có nhiệm vụ tổ chức thực thi chính sách, pháp luật, quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước. Vậy cán bộ, công chức là gì? Bạn đọc có thể tham khảo nội dung bài viết dưới đây của Luật Minh Gia

1. Định nghĩa về cán bộ

Theo khoản 1, 3 Điều 4 Luật cán bộ, công chức năm 2008, cán bộ được định nghĩa như sau:

- Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

- Cán bộ xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) là công dân Việt Nam, được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội.

Như vậy, đối với cán bộ từ cấp huyện trở lên thì cần phải đáp ứng được các điều kiện sau:

- Là công dân Việt Nam;

- Được hình thành từ con đường bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm vụ;

- Làm việc trong các cơ quan nhà nước, Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện;

- Trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Đối với cán bộ cấp xã, ngoài việc đáp ứng hai điều kiện cơ bản là công dân Việt Nam và được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ thì còn được xác định cụ thể các chức vụ sau:

(1) Bí thư, Phó Bí thử Đảng ủy.

(2) Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân.

(3) Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

(4) Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

(5) Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

(6) Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

(7) Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam.

(8) Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

2. Định nghĩa về công chức

Theo khoản 2, 3 Điều 4 Luật cán bộ, công chức năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2019, công chức được định nghĩa như sau:

- Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

- Công chức cấp xã là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Như vậy, công chức nói chung phải đáp ứng được những điều kiện sau:

- Là công dân Việt Nam;

- Được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh;

- Làm việc trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an.

- Trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Đối với công chức cấp xã, họ là công dân Việt Nam, được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ủy ban nhân dân và trong biên chế, hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Theo đó, công chức cấp xã bao gồm 7 chức danh sau:

(1) Trưởng Công an.

(2) Chỉ huy trưởng Quân sự.

(3) Văn phòng- thống kế.

(4) Địa chính – xây dựng – đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính – nông nghiệp – xây dựng và môi trường (đối với xã).

(5) Tài chính – kế toán.

(6) Tư pháp – hộ tịch.

(7) Văn hóa – xã hội.

3. Phân loại công chức

Theo Điều 34 Luật cán bộ, công chức năm 2018, công chức được phân loại như sau:

- Thứ nhất, căn cứ vào lĩnh vực ngành, nghề, chuyên môn, nghiệp vụ, công chức được phân loại theo ngạch công chức tương ứng sau đây:

+ Loại A gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương;

+ Loại B gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương;

+ Loại C gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên hoặc tương đương;

+ Loại D gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch cán sự hoặc tương đương và ngạch nhân viên;

+ Loại đối với ngạch công chức quy định tại điểm e khoản 1 Điều 42 của Luật này theo quy định của Chính phủ.

- Thứ hai, căn cứ vào vị trí công tác, công chức được phân loại như sau:

+ Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý;

+ Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn