Hoài Nam

Trái phiếu là gì? Đặc điểm cơ bản của trái phiếu

Những năm gần đây, đầu tư chứng khoán đang là một trào lưu thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ trên thị trường. Bên cạnh cổ phiếu thì trái phiếu cũng là một kênh đầu tư có khả năng sinh lời tốt. Vậy trái phiếu là gì? Những đặc điểm cơ bản của trái phiếu?

1. Khái niệm trái phiếu

Trước hết, để tìm hiểu về khái niệm trái phiếu chúng ta cần phải làm rõ khái niệm chứng khoán. Theo đó, chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại: (i) Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; (ii) Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ quỹ; (iii) Chứng khoán phái sinh và (iv) Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định. Như vậy, trái phiếu là một trong những loại chứng khoán. Dưới góc độ dân sự, trái phiếu là một loại tài sản, cụ thể là giấy tờ có giá.

Theo quy định của pháp luật về chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành.

Trái phiếu cũng được hiểu là một loại chứng khoán quy định nghĩa vụ của người phát hành (doanh nghiệp – người vay tiền) phải trả cho người nắm giữ trái phiếu (người cho vay) một khoản tiền xác định, bao gồm cả tiền gốc và lãi trong những khoảng thời gian cụ thể.

2. Phân loại trái phiếu doanh nghiệp

Tùy theo tính chất, mục đích phát hành trái phiếu mà có thể phân chia trái phiếu doanh nghiệp thành các loại sau đây:

- Trái phiếu doanh nghiệp xanh:

Là trái phiếu doanh nghiệp được phát hành để đầu tư cho dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án mang lại lợi ích về môi trường theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường.

- Trái phiếu doanh nghiệp chuyển đổi:

Là loại hình trái phiếu do công ty cổ phần phát hành, có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của chính doanh nghiệp phát hành theo điều kiện, điều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu.

- Trái phiếu có bảo đảm:

Là loại hình trái phiếu được bảo đảm thanh toán toàn bộ hoặc một phần lãi, gốc khi đến hạn bằng tài sản của doanh nghiệp phát hành hoặc tài sản của bên thứ ba theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm; hoặc được bảo lãnh thanh toán theo quy định của pháp luật.

- Trái phiếu kèm chứng quyền:

Là loại hình trái phiếu được công ty cổ phần phát hành kèm theo chứng quyền, cho phép người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số cổ phiếu phổ thông của doanh nghiệp phát hành theo điều kiện, điều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu.

3. Đặc điểm của trái phiếu doanh nghiệp

Thứ nhất, trái phiếu là chứng khoán hay một loại giấy nợ, thể hiện các quyền lợi của chủ nợ hay trái chủ (người sở hữu trái phiếu) đối với tổ chức phát hành. Trái chủ được hưởng lãi cố định và không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của tổ chức phát hành.

Thứ hai, Tiền lãi trả cho trái chủ (trái tức) được tính vào chi phí tài chính của tổ chức phát hành (doanh nghiệp), do đó được khấu trừ khi tính thuế thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp

Thứ ba, trái phiếu thể hiện mối quan hệ giữa chủ nợ và con nợ, giữa tổ chức phát hành và nhà đầu tư. Phát hành trái phiếu là đi vay vốn và nhà đầu tư là chủ nợ của tổ chức phát hành. Nhà đầu tư có quyền đòi các khoản thanh toán theo cam kết về giá trị và thời hạn, không có quyền tham gia vào những vấn đề hoạt động của tổ chức phát hành. Khi công ty bị giải thể hoặc phá sản, nhà đầu tư trái phiếu được ưu tiên trả nợ trước các thành viên/cổ đông trong công ty.

Thứ tư, về mệnh giá của trái phiếu doanh nghiệp. Mệnh giá của trái phiếu là giá trị danh nghĩa của trái phiếu, đại diện cho số tiền mà tổ chức phát hành phải trả khi đáo hạn. Trái phiếu doanh nghiệp được phát hành dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử có mệnh giá tối thiểu là 100.000 đồng, các mệnh giá khác phải là bội số của 100.000 đồng. (khoản 4 Điều 6 Nghị định 153/2020/NĐ-CP). Trái phiếu không bị giới phát hành trong phạm vi trong nước mà có thể chào bán ra thị trường quốc tế, mệnh giá được thực hiện theo quy đinh tại thị trường phát hành.

Thứ năm, về lãi suất danh nghĩa của trái phiếu. Lãi suất của trái phiếu quy định mức lãi mà nhà đầu tư được hưởng hàng năm. Thông thường có 02 phương thức trả lãi là 06 tháng/lần hoặc 01 năm/lần. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu quyết định mức lãi suất của trái phiếu cho từng đợt phát hành. Lãi suất của trái phiếu phụ thuộc vào tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như thị trường, với lợi thế đặc trưng về phương thức bảo lãnh phát hành, lãi suất trái phiếu được hình thành trên cơ sở tổ chức phát hành (doanh nghiệp) và tổ chức bảo lãnh phát hành. Lãi suất trái phiếu có thể xác định cố định cho cả kỳ hạn hoặc thả nổi trên thị trường. Trường hợp phát hành trái phiếu với lãi suất thả nổi, doanh nghiệp công bố mức lãi suất tham chiếu để làm căn cứ xác định lãi suất phải trả cho nhà đầu tư.

4. Trách nhiệm và quyền lợi của nhà đầu tư mua trái phiếu

Trái phiếu là một hình thức huy động vốn phổ biến của doanh nghiệp. Các nhà đầu tư có thể lựa chọn mua trái phiếu như một kênh đầu tư có khả năng sinh lời cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm nhưng kèm theo đó cũng là những rủi ro. Vì vậy, trước khi mua trái phiếu, nhà đầu tư cần thận trọng là nghiên cứu rõ về loại trái phiếu mà mình dự định đầu tư để hạn chế tối thiểu những rủi ro. Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:

Thứ nhất, Tiếp cận đầy đủ nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành; hiểu rõ điều kiện, điều khoản trái phiếu và các cam kết khác của doanh nghiệp phát hành trước khi quyết định mua và giao dịch trái phiếu.

Thứ hai, Tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình và tự chịu các rủi ro phát sinh trong việc đầu tư và giao dịch trái phiếu. Nhà nước không đảm bảo việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và các quyền khác cho nhà đầu tư mua trái phiếu.

Thứ ba, Hiểu rõ và tuân thủ quy định về đối tượng nhà đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo quy định tại Nghị quy định của pháp luật liên quan.

Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư trái phiếu, pháp luật đã trao cho nhà đầu tư một số quyền nhất định như sau:

- Được doanh nghiệp phát hành công bố thông tin đầy đủ theo quy định pháp luật; được quyền tiếp cận hồ sơ chào bán trái phiếu khi có yêu cầu.

- Được doanh nghiệp phát hành thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn, thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu và các thỏa thuận với doanh nghiệp phát hành.

- Được dùng trái phiếu để chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế, chiết khấu; được sử dụng trái phiếu làm tài sản bảo đảm trong các quan hệ dân sự và quan hệ thương mại theo quy định của pháp luật.

Như vậy, trái phiếu bản chất là giấy tờ ghi nợ của doanh nghiệp đối với cá nhân, tổ chức sở hữu nó. Hiện này trái phiếu đang là một kênh đầu tư hấp dẫn nhiều nhà đầu tư với lãi suất kỳ vọng cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng. Tuy nhiên, đầu tư trái phiếu cũng mang nhiều rủi ro nên nhà đầu tư cần phải chuẩn bị kiến thức, tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan để hạn chế tối đa những rủi ro, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Bài viết nổi bật
Liên hệ tư vấn
Chat zalo