Đinh Thị Minh Nguyệt

Tra cứu thương hiệu thực hiện thế nào?

Trước khi đưa một thương hiệu mới vào thị trường, các tổ chức, cá nhân kinh doanh cần kiểm tra xem thương hiệu của mình có bị trùng lặp, tương tự hay có các chi tiết gây nhầm lẫn với các thương hiệu đã có trước đó hay không. Thủ tục này không chỉ đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp và khách hàng, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm mà còn giúp tránh được các rủi ro pháp lý sau này. Trong bài viết dưới đây, Luật Minh Gia sẽ phân tích các quy định về tra cứu thương hiệu đã được bảo hộ theo pháp luật.

1. Thương hiệu là gì?

Trong các văn bản pháp luật ở Việt Nam hiện nay, chưa có định nghĩa cụ thể về thương hiệu mà thay vào đó, pháp luật quy định về nhãn hiệu và đây cũng là đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp được bảo hộ. Trên thực tế, nhiều người vẫn thường sử dụng hai cụm từ này với ý nghĩa tương tự và thay thế cho nhau, tuy nhiên, giữa chúng vẫn có sự khác biệt nhất định. 

Theo định nghĩa của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), thương hiệu được hiểu là: “Mặc dù thuật ngữ “thương hiệu” đôi khi được sử dụng như một từ đồng nghĩa của “nhãn hiệu” trong lĩnh vực thương mại, nhưng nó thường được sử dụng theo nghĩa rộng hơn bao gồm sự kết hợp của các yếu tố hữu hình và vô hình, chẳng hạn như một nhãn hiệu, một thiết kế, biểu tượng, hình ảnh thương mại, khái niệm, ảnh và danh tiếng mà các yếu tố đó liên quan tới các sản phẩm dịch vụ cụ thể. Một số chuyên gia coi bản thân hàng hóa hoặc dịch vụ là một phần của thương hiệu.”

Như vậy, thương hiệu sẽ mang ý nghĩa khái quát, rộng lớn hơn so với nhãn hiệu, khi nhắc đến thương hiệu của một doanh nghiệp chúng ta có thế nắm bắt các vấn đề cơ bản sau: uy tín của doanh nghiệp; đặc trưng của sản phẩm, dịch vụ; dấu hiệu nhận biết; chất lượng sản phẩm, dịch vụ; khả năng cạnh tranh; khả năng tài chính của doanh nghiệp;... 

Trong khi đó, pháp luật Việt Nam quy định về nhãn hiệu như sau: “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.” (khoản 16 điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2019). Có thể thấy, dưới góc độ pháp lý, vai trò của nhãn hiệu đã bị giới hạn rất nhiều và chỉ nhằm mục đích phân biệt giữa các sản phẩm, dịch vụ. Dù vậy, đây là yếu tố tương đối quan trọng bởi việc sử dụng nhãn hiệu có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của chủ thể, thậm chí là xảy ra các rủi ro pháp lý nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân không nắm vững quy định về nhãn hiệu.                                                                                                                                           

2. Tra cứu nhãn hiệu thực hiện thế nào?  

Hiện nay, pháp luật chỉ quy định về việc tra cứu đối với nhãn hiệu. Theo đó, mục đích của việc tra cứu này nhằm xác minh xem nhãn hiệu mình đăng ký có bị trùng lặp, gây nhầm lẫn hoặc đã được đăng ký bảo hộ trước đó hay chưa. Cụ thể, có 02 phương thức để tiến hành tra cứu nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ bao gồm: 

Cách 1: Tra cứu online tại cơ sở dữ liệu trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ

Thủ tục này thực hiện như sau: 

Bước 1: Truy cập vào trang tra cứu thông tin nhãn hiệu online của Cục Sở hữu trí tuệ: http://iplib.noip.gov.vn/WebUI/WSearch.php 

Bước 2: Nhập thông tin cần tra cứu đăng ký nhãn hiệu theo các tiêu chí như: Tên thương hiệu, nhóm SP/DV, tên SP/DV, phân loại hình, số đơn, số bằng,...

Bước 3: Khi đã nhập xong dữ liệu tra cứu nhãn hiệu cần thiết, người dùng bấm chọn nút “Tìm kiếm” để cho ra thông tin. Nếu nhập sai hoặc muốn chỉnh sửa thông tin, người dùng có thể chọn nút “Thiết lập lại”.

Cách 2: Tra cứu trực tiếp tại Cục Sở hữu trí tuệ

Với cách tra cứu này, chúng ta sẽ ủy quyền và được hỗ trợ của các chuyên viên tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Khi tiếp nhận hồ sơ tra cứu, các chuyên viên sẽ trực tiếp tra cứu trên cơ sở dữ liệu của Cục Sở hữu trí tuệ. Vì vậy tỉ lệ chính xác có thể đạt ngưỡng 90%. Tuy nhiên, hình thức tra cứu này sẽ mất chi phí.

3. Lợi ích của việc tra cứu nhãn hiệu 

Tra cứu nhãn hiệu trước khi làm thủ tục đăng ký là việc hết sức cần thiết và mang lại nhiều lợi ích, trong đó một số lợi ích cơ bản có thể kể đến như sau: 

  • Tránh trùng lặp hoặc gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu đã được bảo hộ: Do số lượng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu mới hàng năm nộp đến Cục Sở hữu trí tuệ là rất lớn, vì vậy, rất dễ xảy ra sự tương đồng giữa các nhãn hiệu với nhau nếu không có sự xem xét kỹ lưỡng, cụ thể.
  • Tiết kiệm chi phí và nhân lực: Thông thường, để thiết kế và xây dựng một nhãn hiệu, doanh nghiệp cần đầu tư rất nhiều chi phí và nguồn nhân lực, nhưng việc xác nhận và cấp giấy bảo hộ phải chờ sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Khi đó, sự chuẩn bị, tra cứu từ trước sẽ giảm bớt thời gian và công sức để tạo nên nhãn hiệu của một doanh nghiệp.
  • Thời gian xét duyệt: Để xét duyệt và cấp giấy bảo hộ nhãn hiệu thường phải trải qua một khoảng thời gian không hề ngắn, nếu hồ sơ không được chấp nhận, người nộp sẽ phải mất thời gian bổ sung hoặc làm lại. Việc kiểm tra, tra cứu thương hiệu sẽ giúp chúng ta tiết kiệm được một khoảng thời gian trong quá trình xét duyệt.
  • Hạn chế sai sót: Sau khi đã đăng ký thành công, các chủ sở hữu có thể tra cứu nhãn hiệu để kiểm tra các thông tin được công khai trên hệ thống có đúng như hồ sơ đã đăng ký không, trường hợp có sai sót xảy ra có thể tìm được biện pháp khắc phục. 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Bài viết nổi bật
Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo