Đinh Ngọc Huyền

Tảo hôn là gì? Vi phạm quy định về tảo hôn xử lý thế nào?

Tảo hôn không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ra hậu quả rất lớn đối với cá nhân, gia đình và xã hội; trực tiếp ảnh hưởng đến việc chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tảo hôn ảnh hưởng trực tiếp đến tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản của người phụ nữ, nhất là trẻ em gái. Hiện nay, pháp luật hôn nhân và gia đình hiện hành quy định về vấn đề này như thế nào? Chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm về tảo hôn được quy định ra sao? Luật Minh Gia xin được tư vấn như sau.

1. Quy định về tảo hôn

Định nghĩa tảo hôn thì cũng đã được quy định cụ thể, khá rõ ràng trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật này thì độ tuổi để nam, nữ có đủ điều kiện để kết hôn là: “Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên”. Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn (khoản 8, điều 3 Luật HN&GĐ năm 2014).

Ví dụ về hành vi tảo hôn:

A-Giới tính nam (14 tuổi) và B – giới tính nữ (13 tuổi), cả 2 đều là dân tộc H’ Mông tại vùng núi thuộc huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. Cả 2 em bị chính cha mẹ của mình lại bắt ép các em phải lập gia đình, bỏ dở học hành và phải lo cho cuộc sống gia đình.

Đây là một hành vi vi phạm pháp luật hôn nhân, kết hôn không mang tính tự nguyện của đôi bên nam – nữ; chưa đủ tuổi kết hôn, tuổi đời còn quá trẻ để có thể tự mình lo cho cuộc sống hàng ngày của chính bản thân mình, …

2. Vi phạm về tảo hôn xử lý như thế nào?

Tảo hôn là một trong các hành vi bị cấm theo quy định về Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình, được quy định tại khoản 2 điều 5 Luật HN&GĐ năm 2014.

Chủ thể nào cố ý thực hiện hành vi tảo hôn, cưỡng ép việc kết hôn sớm là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật và đều cần phải xử lý nghiêm khắc, đúng theo luật định. Khi tảo hôn sẽ có những hậu quả pháp lý sau đây có thể xảy ra, cụ thể như sau:

- Xử phạt hành chính: 

Xử phạt hành chính do vi phạm quy định trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, mức phạt cụ thể đối với hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn được quy định tại điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CP năm 2020, cụ thể như sau:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án.

- Truy cứu trách nhiệm hình sự:

Khi người thực hiện hành vi tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đủ điều kiện về độ tuổi để kết hôn đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn tiếp tục vi phạm có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 183 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội Tổ chức tảo hôn như sau:

Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.

- Hủy việc kết hôn trái pháp luật:

Theo quy định tại khoản 2 điều 10 Luật HN&GĐ năm 2014 thì các cá nhân, cơ quan, tổ chức sau theo pháp luật tố tụng dân sự có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do vi phạm quy định về điều kiện độ tuổi kết hôn

a) Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.

Quyết định của Tòa án về việc hủy kết hôn trái pháp luật hoặc công nhận quan hệ hôn nhân phải được gửi cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch; hai bên kết hôn trái pháp luật; cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự (khoản 3 điều 11 Luật HN&GĐ năm 2014).

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169