Nghị quyết 05/2003/NQ-HĐTP quy định về trọng tài thương mại
NGHỊ QUYẾT
CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
SỐ 05/2003/NQ-HĐTP NGÀY 31 THÁNG 7 NĂM 2003 HƯỚNG DẪN
THI HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LỆNH TRỌNG TÀI
THƯƠNG MẠI HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Căn cứ vào Luật tổ chức Toà án nhân dân;
Để thi hành đúng và thống nhất các quy định của Pháp lệnh Trọng tài thương mại được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 25 tháng 02 nam 2003 và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2003 (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh);
Sau khi có ý kiến thống nhất của Viện trưởng Viện kiếm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam;
QUYẾT NGHỊ:
1. Phân biệt thẩm quyền giải quyết các vụ tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại giữa Trọng tài thương mại và Toà án nhân dân
1.1. Theo quy định lại Điều 1, Điều 3 và Điều 5 Pháp lệnh thì Trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết các vụ tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại nếu trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp các bên có thoả thuận trọng tài; do đó, khi có người khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết vụ tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại thì Toà án yêu cầu người khởi kiện cho biết trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp các bên có thoả thuận trọng tài hay không. Đồng thời Toà án phải kiểm tra, xem xét các tài liệu gửi kèm theo đơn kiện để xác định vụ tranh chấp đó các bên có thoả thuận trọng tài hay không.
Nếu có căn cứ cho thấy vụ tranh chấp đó các bên đã có thoả thuận trọng tài thì Toà án căn cứ vào quy định tương ứng của pháp luật tố tụng để trả lại đơn kiện cho người khởi kiện.
Trong trường hợp sau khi thụ lý vụ án toà án mới phát hiện được vụ tranh chấp đó các bên đã có thoả thuận trọng tài, thì Toà án căn cứ vào quy định tương ứng của pháp luật tố tụng ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án, trả lại đơn kiện và các tài liệu gửi kèm theo đơn kiện cho đương sự.
1.2. Trong các trường hợp sau đây, vụ tranh chấp tuy các bên có thoả thuận trọng tài, nhưng thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân:
a. Thoả thuận trọng tài vô hiệu theo quy định tại Điều 10 Pháp lệnh;
Khi xem xét thoả thuận trọng tài có vô hiệu hay không cần chú ý một số trường hợp sau đây:
a.1. Đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10 Pháp lệnh về nguyên tắc chung nếu người ký thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền ký kết theo quy định của pháp luật thì thoả thuận trọng tài đó vô hiệu. Tuy nhiên, khi phát sinh tranh chấp mà một bên có yêu cầu Toà án giải quyết, thì Toà án yêu cầu người có thẩm quyền ký kết thoả thuận trọng tài cho biết ý kiến bằng văn bản có chấp nhận thoả thuận trọng tài do người không có thẩm quyền ký kết trước đó hay không. Nếu họ chấp nhận thì trong trường hợp này thoả thuận trọng tài không vô hiệu và vụ tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Hội đồng Trọng tài theo thủ tục chung.
a.2. Đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 10 Pháp lệnh, thì theo quy định của Bộ luật Dân sự người không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; do đó, để chứng minh người ký thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì phải có giấy tờ tài liệu chứng minh ngày tháng năm sinh hoặc kết luận của cơ quan có thẩm quyền hoặc quyết định của Toà án tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
a.3. Đối với trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 10 Pháp lệnh, là trường hợp nếu theo thoả thuận trọng tài thì không thể xác định được đối tượng tranh chấp cụ thể là gì hoặc không thể xác định được Hội đồng Trọng tài nào, Trung tâm Trọng tài nào của Việt Nam có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp này, nếu sau đó các bên không có thoả thuận hoặc không thoả thuận bổ sung được về việc xác định đối tượng tranh chấp cụ thể hoặc Hội đồng Trọng tài cụ thể nào của Việt Nam có thẩm quyền giải quyết.
Ví dụ: Trong thoả thuận trọng tài các bên chỉ thoả tuận: “'Trong trường hợp có tranh chấp nếu không giải quyết được bằng thương lượng thì yêu cầu Trọng tài giải quyết theo quy định của pháp luật Việt Nam". Trong trường hợp này thoả thuận trọng tài là vô hiệu bởi vì các bên không thoả thuận rõ việc giải quyết vụ tranh chấp do Hội đồng trọng tài các bên thành lập hay do Trọng tài viên duy nhất hay do Hội đồng trọng tài của một Trung tâm trọng tài cụ thể của Việt Nam, trừ trường hợp sau đó các bên có thoả thuận bổ sung về việc xác định Hội đồng trọng tài cụ thể của Việt Nam có thẩm quyền giải quyết.
b. Khi được nguyên đơn cho biết bằng văn bản sẽ khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết hoặc khi được Toà án thông báo về việc nguyên đơn đã nộp đơn kiện yêu cầu Toà án giải quyết vụ tranh chấp mà trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của nguyên đơn hoặc thông báo của Toà án bị đơn không phản đối (được coi là các bên có thoả thuận mới lựa chọn Toà án giải quyết vụ tranh chấp thay cho thoả thuận trọng tài) hoặc bị đơn có phản đối nhưng không xuất trình được tài liệu, chứng cứ để chứng minh là trước đó các bên đã có thoả thuận trọng tài (trường hợp này được coi là không có thoả thuận trọng tài);
c. Có quyết định của Toà án huỷ quyết định trọng tài, nếu các bên không có thoả thuận khác.
2. Toà án chỉ định Trọng tài viên trong trường hợp các bên thoả thuận giải quyết vụ tranh chấp tại Hội đồng Trọng tài do các bên thành lập
2.1. Các trường hợp Toà án chỉ định trọng tài viên.
Theo quy định tại Điều 26 Pháp lệnh thì Toà án thực hiện việc chỉ định Trọng tài viên trong các trường hợp sau đây:
a. Hết thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nguyên đơn gửi đơn kiện cho bị đơn mà bị đơn không thông báo cho nguyên đơn tên Trọng tài viên mà mình chọn, nếu nguyên đơn có yêu cầu thì trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu, Chánh án Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Toà án cấp tỉnh) nơi bị đơn có trụ sở hoặc cư trú giao cho một Thẩm phán chỉ định Trọng tài viên cho bị đơn;
b. Trong trường hợp vụ tranh chấp có nhiều bị đơn, khi hết thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được đơn kiện của nguyên đơn và các tài liệu, chứng cứ kèm theo, mà các bị đơn không chọn được Trọng tài viên, nếu nguyên đơn có yêu cầu thì trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu, Chánh án Toà án cấp tỉnh nơi có trụ sở hoặc cư trú của một trong các bị đơn giao cho một Thẩm phán chỉ định Trọng tài viên cho các bị đơn.
Trong trường hợp vì do nguyên đơn có yêu cầu mà nhiều toà án đều ra quyết định chỉ định Trọng tài viên, thì lấy quyết định chỉ định Trọng tài viên của Toà án do nguyên đơn lựa chọn. Tuy nhiên, trong trường hợp này nguyên đơn vẫn phải chịu lệ phí về yêu cầu Toà án chỉ định Trọng tài viên tại tất cả các Toà án mà nguyên đơn có yêu cầu;
c. Hết thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày hai Trọng tài viên được chọn hoặc được Toà án chỉ định mà hai Trọng tài viên này không chọn được Trọng tài viên thứ ba làm Chủ tịch Hội đồng Trọng tài, nếu các bên có yêu cầu thì trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu, Chánh án Toà án cấp tỉnh nơi bị đơn có trụ sở hoặc cư trú giao cho một Thẩm phán chỉ định Trọng tài viên thứ ba làm Chủ tịch Hội đồng Trọng tài;
d. Các bên thoả thuận vụ tranh chấp do Trọng tài viên duy nhất giải quyết, nhưng không chọn được Trọng tài viên duy nhất, nếu một bên có yêu cầu thì trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu, Chánh án Toà án cấp tỉnh nơi bị đơn có trụ sở hoặc cư trú giao cho một Thẩm phán chỉ định Trọng tài viên duy nhất cho các bên.
2.2. Đơn yêu cầu Toà án chỉ định trọng tài viên.
Người có yêu cầu Toà án chỉ định Trọng tài viên phải làm đơn yêu cầu.
Đơn yêu cầu phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
a. Ngày, tháng, năm làm đơn;
b. Tên, địa chỉ của các bên;
c. Tóm tắt nội dung vụ tranh chấp;
đ. Lý do yêu cầu Toà án chỉ định Trọng tài viên.
Kèm theo đơn yêu cầu phải có các tài liệu, chứng cứ chứng minh yêu cầu của mình.
2.3. Việc xem xét, quyết định chỉ định trọng tài viên.
a. Khi xét đơn yêu cầu chỉ định trọng tài viên của đương sự, Thẩm phán phải xem xét, xác định vụ tranh chấp đó thuộc lĩnh vực cụ thể nào quy định tại khoản 3 Điều 2 Pháp lệnh để chỉ định Trọng tài viên cho phù hợp. Thẩm phán có quyền yêu cầu đương sự trình bày rõ thêm về vấn đề này.
b. Để việc quyết định chỉ định trọng tài viên được đúng, phù hợp với việc giải quyết vụ tranh chấp cụ thể đó, thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của các Trung tâm Trọng tài, liên hệ với Hội luật gia cùng cấp, Hiệp hội ngành nghề ở trung ương hoặc ở địa phương để các tổ chức này giới thiệu người có thể được chỉ định làm Trọng tài viên.
c. Người được chỉ định làm Trọng tài viên phải có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các khoản 2 và 3 Điều 12 Pháp lệnh.
d. Để tránh việc Trọng lài viên sau khi được Toà án chỉ định trong quá trình thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình lại có thể bị thay đổi, thì trước khi ra quyết định chỉ định Trọng tài viên, Thẩm phán cần phải xem xét, làm rõ Trọng tài viên đó có thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 27 Pháp lệnh hay không. Nếu có căn cứ cho rằng họ thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 27 Pháp lệnh, thì Thẩm phán phải chọn Trọng tài viên khác.
2.4. Việc chỉ định trọng tài viên trong trường hợp các bên đương sự đưa vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài ra giải quyết tại Hội đồng Trọng tài do các bên thành lập.
Khi thi hành quy định tại khoản 3 Điều 49 Pháp lệnh thì việc Toà án chỉ định Trọng tài viên trong trường hợp các bên thoả thuận đưa vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài ra giải quyết tại Hội đồng Trọng tài do các bên thành lập cần phân biệt như sau:
a. Nếu việc chỉ định Trọng tài viên là người Việt Nam ngoài danh sách Trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài Việt Nam thì người được chỉ định làm Trọng tài viên phải có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các khoản 2 và 3 Điều 12 Pháp lệnh; nếu là người nước ngoài thì phải căn cứ vào pháp luật về trọng tài của nước đó để xem xét người đó có đủ tiêu chuẩn để chỉ định làm Trọng tài viên hay không và việc Toà án nước đó chỉ định Trọng tài viên như thế nào để chỉ định họ làm Trọng tài viên. Trong trường hợp này người có đơn yêu cầu Toà án chỉ định Trọng tài viên là người của nước nào thì có nghĩa vụ phải cung cấp cho Toà án các văn bản pháp luật về trọng tài của nước đó đã được dịch ra tiếng Việt và bản dịch phải được công chứng, chứng thực hợp pháp.
b. Việc chỉ định Trọng tài viên trong các trường hợp trên đây được thực hiện theo hướng dẫn tại các điển 2.1, 2.2 và 2.3 mục 2 này.
3. Thay đổi Trọng tài viên
3.1. Toà án chỉ thụ lý và giải quyết việc thay đổi Trọng tài viên theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 27 Pháp lệnh.
Người có yêu cầu thay đổi Trọng tài viên phải làm đơn yêu cầu. Đơn yêu cầu phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
a. Ngày, tháng, năm làm đơn;
b. Tên, địa chỉ của các bên;
c. Lý do yêu cầu thay đổi Trọng tài viên.
Kèm theo đơn yêu cầu cần phải có các tài liệu, chứng cứ chứng minh yêu cầu của mình.
3.2. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu thay đổi Trọng tài viên của đương sự, Chánh án Toà án cấp tỉnh nơi bị đơn có trụ sở hoặc cư trú giao cho một Thẩm phán xem xét, quyết định. Thẩm phán căn cứ vào quy định tại Điều 12 và khoản 1 Điều 27 Pháp lệnh để xác định Trọng tài viên có thuộc trường hợp bị thay đổi hay không. Trong trường hợp cần thiết Thẩm phán có thể đề nghị trọng tài viên bị yêu cầu thay đổi trình bày ý kiến của họ về yêu cầu thay đổi Trọng tài viên của đương sự.
Trong trường hợp đơn yêu cầu thay đổi Trọng tài viên của đương sự là có căn cứ, thì tuỳ vào từng trường hợp cụ thể mà thẩm phán căn cứ vào điểm, khoản tương ứng quy định tại Điều 12 hoặc điểm tương ứng quy định tại khoản 1 Điều 27 Pháp lệnh ra quyết định thay đổi Trọng tài viên. Quyết định này phải được gửi ngay cho các đương sự, Trọng tài viên bị thay đổi, Hội đồng Trọng tài do các bên thành lập để các bên đương sự thực hiện việc lựa chọn Trọng tài viên khác thay cho Trọng tài viên bị thay đổi. Trong trường hợp không chấp nhận đơn yêu cầu thay đổi Trọng tài viên của đương sự, thì Thẩm phán phải trả lời bằng văn bản cho đương sự biết trong đó cần nêu rõ lý do của việc không chấp nhận.
4. Áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời
Khi nhận được đơn của đương sự yêu cầu Toà án cấp tỉnh nơi Hội đồng Trọng tài thụ lý vụ tranh chấp áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 33 Pháp lệnh, Toà án cần chú ý:
a. Kèm theo đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, đương sự phải gửi cho Toà án các tài liệu quy định tại khoản 2 Điều 34 Pháp lệnh. Tuỳ theo yêu cầu áp dụng loại biện pháp khẩn cấp tạm thời mà Toà án yêu cầu bên làm đơn phải cung cấp cho Toà án bằng chứng cụ thể về các chứng cứ cần được bảo toàn, các chứng cứ về việc bị đơn tẩu tán, cất giấu tài sản có thể làm cho việc thi hành quyết định trọng tài không thể thực hiện được.
b. Sau khi nhận được đơn và các tài liệu gửi kèm theo, Chánh án Toà án giao cho một Thẩm phán xem xét ấn định một khoản tiền bảo đảm mà bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải nộp. Trước khi ấn định Thẩm phán cần phải giải thích cho bên yêu cầu biết trách nhiệm của họ quy định tại Điều 36 Pháp lệnh. Việc ra quyết định khoản tiền bảo đảm mà bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải nộp phải theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 34 Pháp lệnh. Pháp lệnh chỉ quy định các khoản tiền này được gửi giữ tại ngân hàng nơi có trụ sở của Toà án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; do đó, để tạo thuận lợi cho bên nộp tiền thì Thẩm phán quyết định các khoản tiền này được gửi giữ tại một trong các ngân hàng nơi có trụ sở của Toà án do bên nộp tiền lựa chọn. Trong quyết định cần ghi rõ việc xử lý các khoản tiền này do Toà án quyết định.
c. Sau khi nhận được đơn yêu cầu và các tài liệu gửi kèm theo quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 34 Pháp lệnh cùng với chứng từ về việc bên yêu cầu đã nộp khoản tiền bảo đảm tại ngân hàng do Toà án quyết định, Chánh án Toà án cấp tỉnh giao cho Thẩm phán đã xem xét quyết định việc nộp khoản tiền bảo đảm hoặc một Thẩm phán khác tiếp tục việc xem xét giải quyết đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của đương sự.
d. Chỉ được quyết định áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 33 Pháp lệnh đối với tài sản tranh chấp; do đó, khi có một bên yêu cầu áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời này, thì Thẩm phán phải xác định rõ tài sản đó có phải là tài sản mà các bên có tranh chấp hay không? Khi quyết định áp dụng một hoặc các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại các khoản 5 và 6 Điều 33 Pháp lệnh, Thẩm phán cần chú ý là chỉ được kê biên và niêm phong tài sản ở nơi gửi giữ, phong toả tài khoản tại ngân hàng với giá trị tài sản bị kê biên và niêm phong hoặc số tiền trong tài khoản bị phong toả không được quá nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện.
Ví dụ: Bên nguyên đơn có đơn kiện yêu cầu Hội đồng Trọng tài giải quyết buộc bị đơn phải trả số tiền còn nợ là 300 triệu đồng. Trong quá trình Hội đồng Trọng tài giải quyết vụ tranh chấp nguyên đơn có đơn yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong toả tài khoản của bị đơn thì trong trường hợp này nếu chấp nhận đơn yêu cầu của nguyên đơn Toà án cũng chỉ được phong toả số tiền trong tài khoản của bị đơn không được quá 300 triệu đồng.
đ. Khi thi hành quy định tại Điều 35 Pháp lệnh cần chú ý:
- Trong trường hợp bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có đơn yêu cầu Toà án huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, thì Toà án cần chấp nhận ngay đơn yêu cầu của họ. Trong trường hợp này nếu xét thấy yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của họ là đúng thì khi quyết định huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời Toà án quyết định cho họ được nhận lại toàn bộ số tiền bảo đảm mà họ đã gửi giữ tại ngân hàng theo quyết định của Toà án.
- Trong trường hợp bên yêu cầu áp dụng biện pháp khấn cấp tạm thời có đơn yêu cầu Toà án thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời có lợi cho bị đơn thì Toà án cần chấp nhận ngay đơn yêu cầu của họ. Trong trường hợp này nếu xét thấy yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của họ là đúng thì khi quyết định thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời Toà án quyết định cho họ được nhận lại một phần số tiền bảo đảm mà họ đã gửi giữ tại ngân hàng theo quyết định của Toà án.
- Trong trường hợp bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cáp tạm thời có đơn yêu cầu Toà án thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời thì họ cũng chỉ được yêu cầu thay đổi trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 35 Pháp lệnh. Nếu việc thay đổi đó là không có lợi cho bị đơn, thì Toà án yêu cầu họ phải nình bày rõ trong đơn về lý do xin thay đổi và cung cấp các tài liệu cần thiết chứng minh cho yêu cầu của mình là chính đáng. Trong nương hợp này Toà án cần phải xem xét có cần thiết buộc bên yêu cầu phải nộp thêm khoản tiền bảo đảm tại ngân hàng nữa hay không. Sau đó việc xem xét quyết định thay đổi biện pháp khẩn cấp tạm thời được thực hiện tương tự như hướng dẫn tại các điểm c và d mục 4 này.
- Trong trường hợp bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng, có gây thiệt hại cho bên kia, cho người thứ ba, nhưng người bị gây thiệt hại không có yêu cầu bồi thường thì Toà án quyết định cho họ được lấy lại toàn bộ số tiền bảo đảm được họ gửi giữ tại ngân hàng theo quyết định của Toà án.
- Trong trường hợp bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng, có gây thiệt hại cho bên kia, cho người thứ ba, mà người bị gây thiệt hại có yêu cầu bồi thường với số tiền thấp hơn số tiền bảo đảm được gửi giữ tại ngân hàng theo quyết định của Toà án, thì Toà án quyết định cho họ được lấy lại số tiền vượt quá mức người bị gây thiệt hại yêu cầu bồi thường.
5. Huỷ quyết định trọng tài
a. Tuy Pháp lệnh không quy định (không cấm), nhưng để tránh sự khiếu nại từ phía các đương sự thì khi chỉ định Thẩm phán tham gia Hội đồng xét xử xét đơn yêu cầu huỷ quyết định trọng tài Chánh án Toà án không nên chỉ định Thẩm phán đã ra quyết định việc chỉ định hoặc thay đổi Trọng tài viên.
b. Toà án chỉ thụ lý đơn yêu cầu huỷ quyết định trọng tài đối với quyết định trọng tài quy định tại Điều 44 Pháp lệnh mà không thụ lý đơn yêu cầu huỷ quyết định trọng tài quy định tại Điều 37 và các điều khác của Pháp lệnh.
c. Khi xét đơn yêu cầu, Hội đồng xét xử không xét lại nội dung vụ tranh chấp mà cần kiểm tra quyết định trọng tài có thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 54 Pháp lệnh hay không. Nếu xét thấy quyết định trọng tài thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 54 Pháp lệnh, thì Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản tương ứng của Điều 54 Pháp lệnh để ra quyết định huỷ quyết định trọng tài. Nếu xét thấy quyết định trọng tài không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 54 Pháp lệnh, thì Hội đồng xét xử ra quyết định không huỷ quyết định trọng tài.
6. Xét kháng cáo, kháng nghị
1. Trong trường hợp có kháng cáo, kháng nghị thì Chánh toà Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao chỉ định hội đồng xét kháng cáo, kháng nghị gồm ba Thẩm phán, trong đó phân công một thẩm phán làm chủ toạ phiên toà.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 56 Pháp lệnh thì "quyết định của toà án nhân dân tối cao là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành"; do đó, khi xét kháng cáo, kháng nghị, Hội đồng xét xử cần phải xem xét, thận trọng, kỹ càng các quyết định của Toà án cấp sơ thẩm huỷ hoặc không huỷ quyết định trọng tài để có quyết định chính xác. Cần chú ý là Hội đồng xét xử không xét lại nội dung vụ tranh chấp mà chỉ xem xét quyết định của Toà án cấp sơ thẩm huỷ hoặc không huỷ quyết định trọng tài có đúng với quy định tại Điều 54 Pháp lệnh hay không.
2. Theo quy định tại khoản 2 Điều 56 Pháp lệnh thì Hội đồng xét xử có quyền giữ nguyên, sửa một phần hoặc toàn bộ quyết định của toà án cấp sơ thẩm; do đó, Hội đồng xét xử cần chú ý là trong mọi trường hợp không được huỷ quyết định của Toà án cấp sơ thẩm mà chỉ có thể ra một trong các quyết định sau đây:
a. Bác kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên quyết định của Toà án cấp sơ thẩm huỷ hoặc không huỷ quyết định trọng tài;
b. Sửa đổi một phần quyết định của Toà án cấp sơ thẩm trong trường hợp Toà án cấp sơ thẩm huỷ quyết định trọng tài, nhưng có phần quyết định của Trọng tài 1à đúng, không thuộc trường hợp bị huỷ hoặc trong trường hợp Toà án cấp sơ thẩm chỉ huỷ một phần quyết định trọng tài, nhưng có phần quyết định khác của Trọng tài là không đúng và thuộc trường hợp bị huỷ;
c. Sửa toàn bộ quyết định của Toà án cấp sơ thẩm trong trường hợp Toà án cấp sơ thẩm huỷ quyết định trọng tài, nhưng quyết định trọng tài là đúng và không thuộc trường hợp bị huỷ hoặc trong trường hợp Toà án cấp sơ thẩm không huỷ quyết định trọng tài, nhưng quyết định trọng tài là không đúng và thuộc trường hợp bị huỷ.
7. Hình thức văn bản của Toà án cấp sơ thẩm về việc huỷ hoặc không huỷ quyết định trọng tài và của Hội đồng xét xử xét kháng cáo, kháng nghị
Theo tinh thần quy định tại các điều 53, 54, 55 và 56 Pháp lệnh thì khi xét đơn yêu cầu huỷ quyết định trọng tài cũng như khi xét kháng cáo, kháng nghị, Toà án ra quyết định mà không phải ra bản án.
8. Việc chỉ định Thẩm phán giải quyết các yêu cầu của đương sự
Do các vụ tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Hội đồng trọng tài phát sinh trong hoạt động thương mại, cho nên Chánh án Toà án cấp tỉnh cần chỉ định Thẩm phán Toà kinh tế xem xét giải quyết. Đối với Toà án cấp tỉnh chưa thành lập Toà kinh tế thì có thể chỉ định Thẩm phán Toà dân sự xem xét giải quyết.
9. Lệ phí toà án liên quan đến trọng tài
Điều 58 Pháp lệnh quy định lệ phí toà án liên quan đến Trọng tài do Chính phủ quy định; do đó, các loại lệ phí toà án liên quan đến Trọng tài được thu, mức thu và việc thu, chi lệ phí toà án phải thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ.
10. Lưu trữ hồ sơ trọng tài
Theo quy định tại khoản 2 Điều 48 Pháp lệnh thì Toà án cấp tỉnh nơi Hội đồng Trọng tài ra quyết định trọng tài hoặc lập biên bản hoà giải có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ giải quyết vụ tranh chấp của Hội đồng Trọng tài do các bên thành lập. Kèm theo hồ sơ phải có quyết định trọng tài hoặc biên bản hoà giải.
Toà án phải có sổ sách theo dõi việc giao nhận hồ sơ, có nơi lưu trữ hồ sơ trọng tài riêng, không để lẫn với hồ sơ các vụ án do Toà án nhân dân xét xử.
11. Hiệu lực thi hành của Nghị quyết
Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thông qua ngày 31 tháng 7 năm 2003 và có hiệu lực sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất