Nghị định số 185/2013/NĐ-CP Xử phạt VPHC trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 185/2013/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2013 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI, SẢN XUẤT, BUÔN BÁN HÀNG GIẢ, HÀNG CẤM VÀ BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá ngày 18 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ngày 17 tháng 11năm 2011;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
2. Các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định tại Nghị định này bao gồm:
a) Hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và chứng chỉ hành nghề kinh doanh hàng hóa, dịch vụ;
b) Hành vi kinh doanh dịch vụ cấm, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng cấm;
c) Hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; hàng hóa lưu thông trong nước bị áp dụng biện pháp khẩn cấp; hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện; hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác;
d) Hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh thuốc lá;
đ) Hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh rượu;
e) Hành vi đầu cơ hàng hóa và găm hàng;
g) Hành vi vi phạm về hoạt động xúc tiến thương mại;
h) Hành vi vi phạm về hoạt động trung gian thương mại;
i) Hành vi vi phạm về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa;
k) Hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
l) Hành vi vi phạm về thương mại điện tử;
m) Hành vi vi phạm về thành lập và hoạt động thương mại của thương nhân nước ngoài và người nước ngoài tại Việt Nam;
n) Các hành vi vi phạm khác trong hoạt động thương mại.
3. Các vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại về kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng; về giá, niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ; về chứng từ, hóa đơn mua bán hàng hóa, dịch vụ; về đo lường hàng hóa; về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa lưu thông, kinh doanh trên thị trường; về nhãn hàng hóa; về sở hữu trí tuệ; về thủ tục đăng ký kinh doanh; về biển hiệu; về quảng cáo thương mại; về kinh doanh đấu giá hàng hóa; về mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới và các hành vi vi phạm khác thì áp dụng quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.
4. Đối với các hành vi vi phạm các quy định chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh do hải quan phát hiện trên địa bàn hoạt động hải quan thì áp dụng quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Điều 2. Đối tượng bị xử phạt hành chính
1. Cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này trên lãnh thổ Việt Nam.
2. Cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này gồm cả hộ kinh doanh phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
3. Tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này gồm cả tổ chức kinh tế là các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư; Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã được thành lập theo Luật Hợp tác xã; các tổ chức kinh tế khác được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật và các đơn vị kinh doanh trực thuộc của các tổ chức kinh tế nói trên.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Theo Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Sản xuất” là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chế tạo, chế bản, in ấn, gia công, đặt hàng, sơ chế, chế biến, chiết xuất, tái chế, lắp ráp, pha trộn, san chia, sang chiết, nạp, đóng gói và hoạt động khác làm ra hàng hóa.
2. “Buôn bán" là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chào hàng, bày bán, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác đưa hàng hóa vào lưu thông.
3. “Hàng hóa lưu thông trên thị trường” gồm hàng hóa bày bán, vận chuyển trên đường, để tại kho, bến, bãi, tại cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc địa điểm khác.
4. “Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” gồm giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; giấy phép đầu tư; giấy chứng nhận đầu tư; giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức kinh tế và giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
5. “Giấy phép kinh doanh" gồm giấy phép sản xuất, kinh doanh; giấy phép, hạn ngạch xuất khẩu, nhập khẩu và dịch vụ liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu và các giấy tờ khác mà cá nhân, tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp để hoạt động kinh doanh trừ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh quy định tại khoản 4 Điều này.
6. "Hàng cấm” gồm hàng hóa cấm kinh doanh; hàng hóa cấm lưu hành, sử dụng; hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam.
7. “Hàng hóa nhập lậu” gồm:
a) Hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật;
b) Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu có điều kiện mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định kèm theo hàng hóa khi lưu thông trên thị trường;
c) Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;
d) Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;
đ) Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.
8. “Hàng giả” gồm:
a) Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
b) Hàng hóa có hàm lượng định lượng chất chính hoặc trong các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
c) Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, vật nuôi không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng với hàm lượng đã đăng ký; không đủ loại dược chất đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
d) Thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng; không đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
đ) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác;
e) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;
g) Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005;
h) Tem, nhãn, bao bì giả.
9. “Tem, nhãn, bao bì giả” gồm đề can, nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, các loại tem chất lượng, phiếu bảo hành, niêm màng co hàng hóa hoặc vật phẩm khác của cá nhân, tổ chức kinh doanh có chỉ dẫn giả mạo tên và địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại, tên thương phẩm hàng hóa, mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc bao bì hàng hóa của thương nhân khác.
10. “Tang vật” gồm vật, tiền, giấy tờ, hàng hóa thành phẩm hoặc chưa thành phẩm có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính.
11. “Phương tiện vi phạm” gồm phương tiện vận tải, công cụ, máy móc và vật khác được sử dụng để thực hiện vi phạm hành chính.
12. “Bí mật cá nhân của người tiêu dùng” là thông tin liên quan đến cá nhân người tiêu dùng đã được người tiêu dùng hoặc tổ chức, cá nhân có liên quan khác áp dụng các biện pháp bảo mật mà nếu tiết lộ hoặc sử dụng thông tin này không có sự chấp thuận của họ sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ, tính mạng, tài sản hoặc các thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần khác với người tiêu dùng.
13. “Bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ tới người tiêu dùng” là các tổ chức, cá nhân được tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ yêu cầu thực hiện việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ, bao gồm:
a) Tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện dịch vụ cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ tới người tiêu dùng;
b) Tổ chức, cá nhân kinh doanh tham gia vào việc xây dựng thông tin về hàng hóa, dịch vụ;
c) Chủ phương tiện truyền thông, nhà cung cấp dịch vụ truyền thông;
d) Tổ chức, cá nhân khác được yêu cầu thực hiện việc cung cấp thông tin.
Điều 4. Áp dụng các hình thức xử phạt hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả
1. Hình thức xử phạt cảnh cáo quy định tại Nghị định này là hình thức xử phạt chính chỉ được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính có quy định hình thức xử phạt cảnh cáo và đối với cá nhân, tổ chức vi phạm có tình tiết quy định tại Điều 22 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
2. Hình thức phạt tiền quy định tại Nghị định này là hình thức xử phạt chính và mức tiền phạt quy định tại Nghị định này là áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân.
3. Hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm quy định tại Nghị định này là hình thức xử phạt bổ sung chỉ được áp dụng đối với loại tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quy định tại Điều 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính và khoản 2 Điều 3 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (sau đây gọi tắt là Nghị định số 81/2013/NĐ-CP).
Trường hợp Nghị định này quy định đồng thời áp dụng cả hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và c khoản 5 Điều này thì người có thẩm quyền xử phạt chỉ quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm trong trường hợp không thể áp dụng được các biện pháp này, trừ các loại tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vật có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, bảo vật quốc gia, cổ vật, hàng lâm sản quý hiếm, vật thuộc loại cấm lưu hành thì phải tịch thu.
4. Hình thức xử phạt tước quyền sử dụng có thời hạn giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ có thời hạn một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm quy định tại Nghị định này là hình thức xử phạt bổ sung được áp dụng như sau:
a) Chỉ áp dụng hình thức tước quyền sử dụng có thời hạn giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính được cấp giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề và theo thời hạn quy định tại Nghị định này. Nguyên tắc và thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng có thời hạn giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP;
b) Chỉ áp dụng hình thức xử phạt đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính và theo thời hạn quy định tại Nghị định này.
5. Các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này được áp dụng như sau:
a) Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm được áp dụng đối với loại hàng hóa, vật phẩm quy định tại Điều 33 Luật Xử lý vi phạm hành chính mà việc buộc cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính tiêu hủy không ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường, sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng và trật tự an toàn xã hội;
b) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm được áp dụng đối với loại hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm quy định tại Điều 35 Luật Xử lý vi phạm hành chính trong trường hợp loại bỏ được yếu tố vi phạm và việc loại bỏ yếu tố vi phạm không dẫn đến khả năng vi phạm tiếp theo;
c) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện được áp dụng trong trường hợp quy định tại Điều 32 Luật Xử lý vi phạm hành chính khi cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính có khả năng thực hiện được các biện pháp này;
d) Buộc thu hồi tiêu hủy hoặc buộc thu hồi loại bỏ yếu tố vi phạm được áp dụng các đối với loại sản phẩm, hàng hóa quy định tại Điều 32 Luật Xử lý vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính đã tiêu thụ, đã bán còn đang lưu thông trên thị trường;
đ) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 37 Luật Xử lý vi phạm hành chính được áp dụng đối với người vi phạm có thu lợi bất hợp pháp.
e) Các biện pháp khắc phục hậu quả khác được áp dụng theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và quy định tại Nghị định này.
6. Khi áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 5 Điều này, người có thẩm quyền xử phạt phải quy định thời hạn phù hợp để cá nhân, tổ chức vi phạm thực hiện. Trường hợp đã hết thời hạn thực hiện ghi trong quyết định xử phạt mà không thực hiện thì phải cưỡng chế thi hành hoặc quyết định tịch thu để xử lý theo quy định tại Điều 82 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Điều 5. Xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt
1. Việc xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này được áp dụng dựa trên một trong các căn cứ theo thứ tự ưu tiên quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
2. Đối với tang vật là hàng giả quy định tại các khoản a, b, c, d, đ, e và g khoản 8 Điều 3 Nghị định này là giá thị trường của hàng hóa thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng, kỹ thuật, công dụng tại thời điểm nơi phát hiện vi phạm hành chính theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp không xác định được giá như trên thì xác định giá trị theo quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Trường hợp không thể áp dụng các căn cứ quy định tại khoản 1 và 2 Điều này thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc có thể ra quyết định tạm giữ tang vật vi phạm và thành lập hội đồng định giá theo quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Chương 2.
HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC, MỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ
MỤC 1. HÀNH VI VI PHẠM VỀ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH THEO GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ KINH DOANH, GIẤY PHÉP KINH DOANH, GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH VÀ CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ KINH DOANH HÀNG HÓA, DỊCH VỤ
Điều 6. Hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh không đúng ngành nghề, mặt hàng, địa điểm kinh doanh ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động kinh doanh khi đã bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đình chỉ kinh doanh hoặc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
4. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 3 Điều này trong trường hợp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện.
Điều 7. Hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo giấy phép kinh doanh
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tự viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa nội dung ghi trong giấy phép kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Cho thuê, cho mượn, đưa cầm cố, thế chấp, bán, chuyển nhượng giấy phép kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh;
b) Thuê, mượn, nhận cầm cố, thế chấp, mua, nhận chuyển nhượng giấy phép kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Sử dụng giấy phép kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh của thương nhân khác để kinh doanh;
b) Kinh doanh không đúng phạm vi, đối tượng, quy mô, thời gian, địa bàn, địa điểm, mặt hàng ghi trong giấy phép kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh được cấp.
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh mà không có giấy phép kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh theo quy định;
b) Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh khi giấy phép kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh được cấp đã hết hiệu lực.
5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động kinh doanh khi đã bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động kinh doanh, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh.
6. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 5 Điều này đối với người sản xuất công nghiệp hoặc người kinh doanh phân phối, bán buôn sản phẩm rượu, sản phẩm thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá thực hiện hành vi vi phạm hành chính.
7. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
Điều 8. Hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tự viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa các nội dung trong giấy chứng nhận đủ Điều kiện kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện hoặc chứng chỉ hành nghề.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Cho thuê, cho mượn, đưa cầm cố, thế chấp, bán, chuyển nhượng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện hoặc chứng chỉ hành nghề;
b) Thuê, mượn, nhận cầm cố, thế chấp, mua, nhận chuyển nhượng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện hoặc chứng chỉ hành nghề.
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh của thương nhân khác hoặc chứng chỉ hành nghề của người khác để kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện;
b) Kinh doanh không đúng nội dung ghi trong giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoặc chứng chỉ hành nghề được cấp.
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có điều kiện mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định;
b) Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có điều kiện khi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề được cấp đã hết hiệu lực.
5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động kinh doanh khi đã bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động kinh doanh, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề.
6. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
MỤC 2. HÀNH VI KINH DOANH DỊCH VỤ CẤM, SẢN XUẤT VÀ BUÔN BÁN HÀNG GIẢ, HÀNG CẤM
Điều 9. Hành vi kinh doanh dịch vụ cấm
1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc danh mục cấm kinh doanh.
2. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 10. Hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm
1. Đối với hành vi buôn bán hàng cấm quy định tại khoản 6 Điều 3 Nghị định này, mức phạt tiền như sau:
a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị dưới 1.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị từ 1.000.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
h) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;
i) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
k) Phạt tiền 100.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị từ100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định tại khoản 1 Điều này đối với hành vi sản xuất hàng cấm.
3. Các mức phạt tiền quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng xử phạt hành chính đối với:
a) Chủ phương tiện vận tải hoặc người điều khiển phương tiện vận tải có hành vi vận chuyển hàng cấm;
b) Chủ kho tàng, bến bãi, nhà ở có hành vi tàng trữ hàng cấm;
c) Người có hành vi giao nhận hàng cấm.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
b) Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc và vật khác được sử dụng để sản xuất hàng cấm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;
c) Tịch thu phương tiện vận tải được sử dụng để vận chuyển hàng cấm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp hàng cấm có giá trị từ 70.000.000 đồng trở lên hoặc vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;
d) Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;
đ) Đình chỉ hoạt động một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất vi phạm từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tiêu hủy tang vật là hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, môi trường, đồ chơi có hại cho giáo dục nhân cách và sức khỏe trẻ em và văn hóa phẩm độc hại đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
c) Buộc thu hồi tiêu hủy hàng cấm đang lưu thông trên thị trường đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.
Điều 11. Hành vi buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng
1. Đối với hành vi buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng quy định tại điểm a, b, c và d khoản 8 Điều 3 Nghị định này, mức phạt tiền như sau:
a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới 1.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 1.000.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt quy định tại khoản 1 Điều này đối với hành vi nhập khẩu hàng giả hoặc hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh cho người mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Là thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
c) Là phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, chất tẩy rửa, diệt côn trùng, trang thiết bị y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tiêu hủy tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
b) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc tái xuất hàng giả đối với hành vi nhập khẩu hàng giả quy định tại Điều này;
c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
d) Buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.
Điều 12. Hành vi sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng
1. Đối với hành vi sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng quy định tại điểm a, b, c và d khoản 8 Điều 3 Nghị định này, mức phạt tiền như sau:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới 3.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt quy định tại khoản 1 Điều này đối với một trong các trường hợp hàng giả sau đây:
a) Là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh cho người mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Là thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
c) Là phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, chất tẩy rửa, diệt côn trùng, trang thiết bị y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
b) Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc và vật khác được sử dụng để sản xuất hàng giả đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;
d) Đình chỉ hoạt động một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất vi phạm từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tiêu hủy tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
c) Buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.
Điều 13. Hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa
1. Đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa quy định tại điểm đ và e khoản 8 Điều 3 Nghị định này, mức phạt tiền như sau:
a) Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới 1.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 1.000.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt quy định tại khoản 1 Điều này đối với hành vi nhập khẩu hàng giả hoặc hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh cho người mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Là thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
c) Là phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, chất tẩy rửa, diệt côn trùng, trang thiết bị y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
b) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hóa giả mạo đối với hành vi nhập khẩu hàng giả quy định tại Điều này;
c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
d) Buộc thu hồi loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả đang lưu thông trên thị trường đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.
Điều 14. Hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa
1. Đối với hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa quy định tại điểm đ và e khoản 8 Điều 3 Nghị định này, mức phạt tiền như sau:
a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới 3.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
>> Tải về máy để xem đầy đủ nội dung văn bản
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất